Đa dạng các hình thức dạy, học trong mùa dịch COVID-19

06:09, 16/09/2021

 

Từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học nhằm đảm bảo phương châm “học sinh nghỉ học tại trường nhưng không dừng việc học” đối với cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Các hình thức dạy học được áp dụng linh hoạt theo tình hình dịch gồm: dạy học trực tiếp trên lớp, dạy học online (tương tác trực tuyến và học qua video, dạy học qua truyền hình...). 

Một buổi ôn tập kiến thức Ngữ văn trên Đài PT và TH tỉnh cho học sinh lớp 12 do Sở GD và ĐT phối hợp với Đài PT và TH tỉnh tổ chức.
Một buổi ôn tập kiến thức Ngữ văn trên Đài PT và TH tỉnh cho học sinh lớp 12 do Sở GD và ĐT phối hợp với Đài PT và TH tỉnh tổ chức.

Tại thành phố Nam Định, một trong những đơn vị thực hiện tốt việc dạy và học trực tuyến, hình thức dạy học được các nhà trường đặc biệt quan tâm là khuyến khích cả giáo viên và học sinh cùng theo dõi các bài giảng trên truyền hình, sử dụng phần mềm Zoom, xây dựng các clip, bài giảng E-learning hướng dẫn học sinh tự học… Hàng trăm clip, bài giảng điện tử đã được đăng tải trên trang website, fanpage của các nhà trường và được chia sẻ rộng rãi trên youtube hay các trang cá nhân. Giáo viên cũng có thể chia sẻ những bài học này trên các trang zalo, nhóm kín của lớp. Với cách làm này, học sinh có thể chủ động về mặt thời gian. Học sinh còn có thể xem đi xem lại, học mọi lúc mọi nơi, từ đó rèn luyện và nâng cao ý thức tự chủ, tự học. Phụ huynh cũng có thể kiểm soát và hỗ trợ các con. Tại huyện Nam Trực, Hầu hết tại các nhà trường, giáo viên đều cài đặt và sử dụng phần mềm Zoom, Googleclassroom hoặc Shubclassroom để  dạy học trực tuyến, giao bài tập, kiểm tra đánh giá học sinh. Bên cạnh đó, các nhà trường tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ duy trì thói quen, nền nếp hỗ trợ con em mình học tập tại nhà; thẩm định và giới thiệu các bài dạy, các địa chỉ học trực tuyến trên internet (hocmai.vn, cunghoc.vn, youtube.com…); hướng dẫn giáo viên, học sinh theo dõi lịch phát sóng các bài học (do Bộ GD và ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia (kênh VTV7; VTC8; VTC11 và một số kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD và ĐT). Các trường chỉ đạo giáo viên xây dựng chương trình học và luyện tập theo tuần gửi qua email, zalo, facebook, sổ liên lạc điện tử hoặc in bản giấy để phụ huynh hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện... Tại huyện Hải Hậu, để chuẩn bị các phương án dạy và học cho năm học mới 2021-2022, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng các hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Thầy Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Sơn (Hải Hậu) cho biết: “Hiện tại trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo phương án linh hoạt, chủ động. Rút kinh nghiệm quá trình thực hiện dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến năm học trước, dự đoán tình hình diễn biến dịch còn phức tạp, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng nội dung chương trình dạy học phù hợp để trong trường hợp nếu phải giãn cách nhà trường sẽ thực hiện dạy học trực tuyến. Giáo viên toàn trường đều ý thức được trách nhiệm của mình là làm sao để duy trì việc dạy học chất lượng. Đặc biệt, năm học mới sẽ thay sách lớp 6, các phương án dạy - học đều đã được tính đến”. Cô giáo Lưu Thị Mai, giáo viên dạy Vật lý Trường THCS Hải Sơn chia sẻ: “Kinh nghiệm triển khai học trực tuyến các năm trước thành công sẽ giúp giáo viên chúng tôi chủ động tổ chức cho học sinh học trực tuyến qua các phần mềm Zoom, Google meet để giáo viên có sự tương tác hỗ trợ học sinh học tập trong năm học này”. 

Năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu, trong khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, thì tất cả các hình thức dạy học đã và đang được ngành GD và ĐT tính đến với yêu cầu đảm bảo an toàn phòng dịch trong hoạt động giáo dục. Căn cứ tình hình dịch, Sở GD và ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo phương án linh hoạt, tận dụng “thời gian vàng” khi dịch bệnh được kiểm soát để giảm thời lượng học thêm, tăng thời lượng học chính khoá để học sinh được học các kiến thức cơ bản, cốt lõi của chương trình, đồng thời chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tăng cường xây dựng kho học liệu số phục vụ dạy, học trực tuyến, dạy học qua truyền hình nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, học sinh phải tạm nghỉ học tại trường thì sẽ chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến đối với cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục, các nhà trường chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống tổ chức triển khai các hình thức dạy học, đặc biệt là dạy học từ xa sao cho phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị. Sở GD và ĐT sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên các kỹ năng cần thiết để dạy học trực tuyến; hướng dẫn học sinh phương pháp học tập trực tuyến và phương pháp tự học. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo Ban giám hiệu các nhà trường chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học năm học 2021-2022, đặc biệt với các lớp 2, lớp 6 là những lớp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và mới thay sách giáo khoa. Hiện tại các nhà trường đều đã sẵn sàng các phương án dạy học, nhất là khối lớp đang thay sách. Giáo viên được chọn dạy các khối lớp này đều là những giáo viên có tâm huyết, kinh nghiệm và trách nhiệm nhất, đã có kinh nghiệm dạy trực tuyến từ năm học trước. Tuy nhiên, mong muốn của các thầy cô là chất lượng đường truyền, hạ tầng kỹ thuật mạng viễn thông và giảm chi phí để tạo điều kiện cho tất cả học sinh đều có thể tiếp cận. Đặc biệt, điều kiện học tập của học sinh khu vực nông thôn cũng chưa được đầy đủ, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học chưa hiệu quả… thì cần phải có những hình thức hỗ trợ khác để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Ở bậc tiểu học, việc dạy học trực tuyến cũng có nhiều khó khăn do các em còn quá nhỏ nên có những hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong tương tác học tập trực tuyến… Để khắc phục khó khăn thì sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh sẽ giúp các em làm quen với việc học trực tuyến và kết hợp linh hoạt các hình thức học khác để khắc phục những hạn chế của hình thức học này. Theo một số giáo viên có kinh nghiệm dạy online, thì để việc học hiệu quả, trước khi bắt đầu buổi học, học sinh nên đọc trước nội dung bài học thì sẽ nắm và tiếp thu được 90-100% bài giảng, còn nếu chỉ nghe giảng mà không chuẩn bị trước, học sinh chỉ có thể nắm được nhiều nhất 70-80% kiến thức.

Việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đang là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với ngành GD và ĐT, do vậy, mỗi nhà trường, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cần khắc phục khó khăn, vận dụng sáng tạo các điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực hiện có, phát huy tinh thần tự học, sáng tạo, khai thác triệt để các ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy học trong mùa dịch./. 

Bài và ảnh: Minh Thuận      



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com