Thực hiện nếp sống văn minh trong mùa Vu Lan báo hiếu

08:08, 20/08/2021

Lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính, báo hiếu với cha mẹ và các bậc sinh thành, ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, nhiều năm qua ngày lễ Vu Lan có dấu hiệu bị lạm dụng bởi nhiều yếu tố mê tín dị đoan như tình trạng đốt nhiều vàng mã, tổ chức cỗ cúng tràn lan…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, ở nhiều chợ và khu dân cư trong tỉnh, người dân đã nhộn nhịp đi mua sắm vàng mã cho ngày lễ Vu Lan. Tại phố Minh Khai (thành phố Nam Định), nhiều gia đình làm hương, vàng mã truyền thống đã bày bán khá nhiều loại sản phẩm; từ mặt hàng đơn giản như tiền, vàng, các loại quần áo, giầy, mũ đến những vật dụng “hiện đại” như điện thoại iPhone, iPad, nhà lầu, lò vi sóng, xe hơi, xe mô tô, đồ dùng gia dụng. Một số gia đình không chỉ đốt điện thoại, đô la, tiền âm phủ làm từ giấy, còn tìm mua thẻ sim, cây ATM hàng mã để hóa vì tin rằng “người âm” cũng cần rút, gửi tiền. Thực tế cho thấy, những nghi thức trong dịp lễ Vu Lan hiện nay của nhiều gia đình không còn mang ý nghĩa tâm linh mà đã biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan. Lý giải cho hiện tượng này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng bởi người dân chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa lễ Vu Lan nên có những hành vi thực hành nghi lễ sai lệch. Thượng tọa Thích Giác Vũ, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết: Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. Câu chuyện báo hiếu của Bồ tát Mục Kiền Liên trong Phật giáo chỉ ra rằng muốn linh hồn cha mẹ, ông bà được siêu thoát thì mỗi người phải hành động bằng cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh. Ngoài lễ Vu Lan, trong tháng 7 âm lịch còn có lễ Xá tội vong nhân. Dân gian quan niệm ngày rằm tháng bảy là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế nên được gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Lễ Xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc với mục đích bày tỏ lòng nhớ ơn những người đã khuất và thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất không được thờ cúng. Đạo Phật chính thống không khuyên mọi người đốt vàng mã để cúng những người đã mất mà luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả: Người làm điều thiện cho người khác, cho xã hội và cộng đồng thì sẽ gặp may mắn phúc đức và ngược lại.

Thực hiện Chương trình hành động số 04-CT/TU ngày 16-2-2016 thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” và Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã… Nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Từ việc tập trung chỉ đạo đến nay, các xã, thị trấn trong huyện Giao Thủy đều ban hành quy chế nếp sống văn minh. UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên ở cả 22 xã, thị trấn. Nhờ đó việc đốt, rải vàng mã tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Huyện Hải Hậu có văn bản hướng dẫn, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị ký cam kết gương mẫu đi đầu và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các quy định, quy chế nếp sống văn hóa. Những gia đình không thực hiện đúng quy chế được thông báo trên hệ thống đài truyền thanh xã. Nhờ đó đến nay, việc đốt, rải vàng mã ở các gia đình được hạn chế.

Bên cạnh đó, hàng năm, lễ Vu Lan được tổ chức trang trọng ở nhiều ngôi chùa trong tỉnh với những nội dung như: Giảng kinh về đạo hiếu, lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng, lễ cầu siêu… Trong thực hiện nghi thức bông hồng cài áo, người còn cha, mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn cha, mẹ cài bông hồng trắng để tưởng nhớ ơn đấng sinh thành. Các vị tăng, ni cài bông hồng vàng bởi theo đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát, là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ. Thời điểm trước khi dịch bệnh COVID-19, nhiều chùa trên địa bàn tỉnh tổ chức lễ Vu Lan với quy mô lớn như: Chùa Vọng Cung (thành phố Nam Định), Chùa Diêm Điền, Chùa An Lạc (Giao Thủy), Chùa Phúc Lộc, Chùa Bình A (Nghĩa Hưng), Chùa Linh Ứng (Hải Hậu)… Ở Chùa Vọng Cung, hàng năm trong ngày tổ chức nghi thức hoa hồng cài áo có trên 1.000 người tham dự. Trước khi thực hiện nghi thức, một vị thượng tọa sẽ giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan với từng chủ đề nội dung xoay quanh ơn cha nghĩa mẹ, khuyên răn mỗi người sống tốt hướng thiện trong cuộc sống thường ngày. Tại Chùa Linh Ứng (Hải Hậu) đại lễ Vu Lan được tổ chức với nhiều nội dung như: Chương trình ca nhạc Phật giáo, thuyết giảng đại lễ Vu Lan báo hiếu, lễ cúng cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, các vong hồn mất vì thiên tai, dịch bệnh, tụng kinh địa tạng cầu siêu báo hiếu, nghi thức hoa hồng cài áo, lễ phóng sinh…

Năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành văn bản về lễ Vu Lan báo hiếu. Trong đó đề nghị tăng, ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện tinh thần “ai ở đâu ở đấy”; tụng kinh Vu Lan báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới tổ tiên, anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an. Không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo và các nghi lễ khác trong ngày Vu Lan./.

Viết Dư

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com