Nỗ lực kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

08:08, 18/08/2021

Nhiều năm qua, tỉnh ta luôn ở trong tốp các địa phương có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 và tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao trong cả nước. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta là 115,5 bé trai/100 bé gái, tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng giới tính. 

Tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Lộc (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Tỷ số giới tính khi sinh cân bằng khi trong một năm có từ 103-106 trẻ trai/100 trẻ gái được sinh ra; tỷ số cao hơn khoảng này là mất cân bằng giới tính khi sinh. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, gây nên bất bình đẳng giới và bạo lực giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Trước thực trạng đó, tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch về công tác dân số và phát triển như: Chương trình hành động số 21/CTr-TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 17/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới; Kế hoạch số 32/KH-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Nam Định thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 27-7-2020 về việc thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh tỉnh Nam Định đến năm 2030; Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 28-7-2020 về việc thực hiện Chương trình Truyền thông dân số tỉnh Nam Định đến năm 2030; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025. Qua đó, việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác dân số - KHHGĐ. Các ngành, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng. Trong đó, tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác dân số trong tình hình mới. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như: Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số, các điều, khoản nghiêm cấm thông báo giới tính thai nhi tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ… Đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin về giới, những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh con một bề, những địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao, những người cung cấp dịch vụ về sinh sản như siêu âm, nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng. Nâng cao nhận thức của người dân về giới, hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh, hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên của con người. Thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế và quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Với đội ngũ trên 3.700 cộng tác viên dân số hoạt động tại các thôn, xóm và 100% xã, phường, thị trấn đều có cán bộ dân số, các hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp, đều đặn. Nội dung, hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, như: Họp nhóm nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp, cấp phát tờ rơi, sinh hoạt các câu lạc bộ không sinh con thứ 3; xây dựng các cụm pa nô, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh cơ sở... Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh tại các xã, phường, thị trấn cho người dân; phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh; tăng cường hoạt động tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho đối tượng vị thành niên, thanh niên, công nhân khu công nghiệp; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân… Dần thay đổi tư tưởng cổ hủ “trọng nam khinh nữ”, nhận thức, hành vi của người dân về duy trì tỷ số giới tính khi sinh cân bằng và nâng cao chất lượng dân số.

Sở Y tế thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi. Tổ chức cho 100% các cơ sở y tế công lập và tư nhân ký cam kết không chẩn đoán, tiết lộ giới tính thai nhi, không phá thai nhằm lựa chọn giới tính; lồng ghép tư vấn cho khách hàng về hệ lụy của lựa chọn giới tính khi sinh. Thường xuyên tổ chức thanh tra, giám sát các cơ sở y tế ngoài công lập trong thực hiện các quy định chẩn đoán, tiết lộ, phá thai vì lý do giới tính. Qua đó, kịp thời phát hiện ra những cơ sở cố tình vi phạm để có biện pháp chấn chỉnh, giám sát phù hợp và không ngừng nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Các đơn vị y tế công lập nghiêm túc thực hiện quy định không siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi. Kết quả, năm 2020, toàn tỉnh có 27.815 trẻ được sinh ra, giảm 161 trẻ so với năm 2019; tỷ suất sinh giảm 0,13 phần nghìn (đạt chỉ tiêu kế hoạch). Số trẻ là con thứ 3 trở lên là 5.479 trẻ, giảm 284 trẻ so với năm 2019, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,9% (đạt chỉ tiêu kế hoạch). Tỷ số giới tính khi sinh là 114 bé trai/100 bé gái (đạt chỉ tiêu kế hoạch). 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 10.844 trẻ được sinh ra, giảm 146 trẻ so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh là 115,5 bé trai/100 bé gái, tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Số trẻ là con thứ 3 trở lên là 2.530 trẻ, tăng 142 trẻ so với năm 2020.

Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên, trước mắt là thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2021 là: Giảm tỷ suất sinh so với năm 2020 từ 0,10-0,15 phần nghìn; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm 2020 từ 0,5-1,0% và duy trì tỷ số giới tính khi sinh 113,9 bé trai/100 bé gái, thời gian tới, công tác dân số - KHHGĐ cần tiếp tục có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Giải pháp mang tính cấp thiết là đẩy mạnh thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025. Tập trung khu vực, địa bàn có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao, ngăn chặn gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở các địa phương này. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, tuyên truyền đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng, khai thác ưu thế từ các trang fanpage, mạng xã hội như facebook, zalo… Tăng cường quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, chăm sóc sức khỏe sinh sản để kiểm soát tình trạng thông báo, tư vấn chọn lọc giới tính thai nhi. Quan trọng hơn hết là ý thức của mỗi người dân về công tác bình đẳng giới, không phân biệt con gái hay con trai, thực hiện tốt công tác dân số, vì mục tiêu “Bình đẳng, phát triển và tiến bộ của phụ nữ”./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com