Huyện Vụ Bản có 18 trường mầm non công lập với 260 nhóm lớp, tổng số gần 8.300 học sinh. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, Phòng GD và ĐT huyện luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Các cháu Trường Mầm non Tam Thanh trong một giờ học tại Thư viện xanh của trường (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Phòng GD và ĐT huyện luôn quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường tập huấn chuyên môn theo các chuyên đề; nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng, giáo dục ý thức đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên. Đặc biệt, các trường chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng như: trực tiếp trao đổi thảo luận, thực hành trên trẻ hoặc sinh hoạt gián tiếp thông qua email, nhóm zoom, zalo, messenger, xây dựng đóng góp ý kiến thảo luận bằng văn bản… với nội dung thiết thực, tập trung khai thác chuyên sâu các nội dung về kỹ năng còn yếu, thiếu của giáo viên hay những vấn đề mới cần làm rõ (kỹ năng vận động theo nhạc, kỹ năng tổ chức các trò chơi cho trẻ có hứng thú, sưu tầm tài liệu và phân tích yêu cầu các module tự bồi dưỡng, giải pháp khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì ở trẻ. Qua đó, chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non trong huyện được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ. Được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các trường mầm non được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Các xã, thị trấn thực hiện quy hoạch chi tiết mạng lưới trường lớp, trên cơ sở đó ưu tiên quỹ đất cho các trường theo quy định diện tích của trường chuẩn quốc gia. Riêng trong năm học 2020-2021, các trường mầm non: Kim Thái, Liên Minh, Hợp Hưng, Trung Thành, Cộng Hòa đã đầu tư xây dựng, mở rộng quỹ đất, sửa chữa, cải tạo khuôn viên đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, nâng tổng số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của toàn huyện lên 14/18 trường, trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn lên 12/18 trường. 18/18 trường mầm non đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn - phòng, chống tai nạn, thương tích” được UBND huyện cấp giấy chứng nhận. Tiêu biểu, năm học 2020-2021, Trường Mầm non Liên Minh xây mới 4 phòng học, san lấp ao, đổ nền khu vui chơi, xây nhà vệ sinh, làm vườn cây ăn quả, vườn cổ tích, khu trải nghiệm với tổng kinh phí trên 5,2 tỷ đồng; Trường Mầm non Hợp Hưng sửa phòng học 3 khu, xây mới nhà vệ sinh của giáo viên, mở rộng diện tích sân chơi với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng; Trường Mầm non Trung Thành sửa chữa bếp và cải tạo sân vườn với kinh phí trên 300 triệu đồng... Tổng kinh phí xây dựng mới phòng học, nhà vệ sinh, cải tạo, sửa chữa công trình các trường mầm non toàn huyện năm học 2020-2021 lên tới 9,86 tỷ đồng. Các trường thường xuyên rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn, tổ chức sắp xếp thiết bị, đồ dùng, đồ chơi khoa học, ngăn nắp (đồ dùng, đồ chơi, giá tủ có móc giữ, đường điện, thiết bị vệ sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, ổ điện, bể nước có khóa và nắp đậy an toàn, lan can, cầu thang, tường bao, cổng trường đảm bảo đúng quy cách, tiêu chuẩn dành cho trường mầm non... Cũng trong năm học này, Phòng GD và ĐT huyện mua bổ sung tủ sách thư viện cho các trường mầm non phục vụ nghiên cứu giảng dạy và vận dụng trong thực tiễn giáo dục, chăm sóc trẻ với kinh phí 99,95 triệu đồng. Các trường tích cực tự làm đồ dùng đồ chơi, tạo cảnh quan môi trường đảm bảo an toàn để trẻ được trải nghiệm, tương tác với đồ vật, thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” có chất lượng và đã làm thay đổi môi trường rõ nét, đặc biệt đã tạo cho trẻ môi trường học tập được đảm bảo an toàn về thể chất lẫn tinh thần. Quá trình các cháu ăn học tại trường khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trạng thái bình thường mới, các trường mầm non phối hợp với y tế địa phương thực hiện công tác vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp, đồ dùng đồ chơi thường xuyên, định kỳ và trang bị các dụng cụ bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và học sinh như: Máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay thường xuyên, thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Trước và trong thời gian các cháu nghỉ tại nhà để phòng chống dịch, các trường tích cực tuyên truyền, phổ biến, phối hợp với cha mẹ trẻ bằng các hình thức như họp phụ huynh, công khai thực đơn, khẩu phần và nhu cầu, chế độ dinh dưỡng của trẻ tại biểu bảng tuyên truyền chung của nhà trường, góc tuyên truyền với phụ huynh ở từng nhóm lớp, trao đổi qua điện thoại hay sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển thể chất...
Để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, các trường mầm non căn cứ điều kiện nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT, trên cơ sở đó thực hiện phát triển Chương trình giáo dục nhà trường theo phương pháp tiên tiến Montessori. Các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ dựa vào cộng đồng cũng được các nhà trường chú trọng như phối hợp với cha mẹ trẻ tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn liền với sự kiện, lễ hội trong năm học; đổi mới nội dung và hình thức tổ chức hoạt động hướng tới việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ như tổ chức các hoạt động giao lưu, trò chơi phát triển vận động dancesport, dân vũ, thực hành kỹ năng MC, lao động vườn trường, chăm cây, dọn cỏ, tham quan trải nghiệm các khu vực chơi sáng tạo trên sân trường; hoặc các hoạt động ngoại khóa được tổ chức thành công trong khoảng thời gian tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trạng thái bình thường mới với các chủ đề: Ngày Tết quê em, Tết Hàn thực, cánh đồng lúa mới, di tích quê hương, trường tiểu học… Tiêu biểu là các trường mầm non: Hiển Khánh, thị trấn Gôi, Trung Thành, Tân Khánh.
Với những nỗ lực đó, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn huyện được nâng cao; các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. 100% các trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ, thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; cả 18 trường mầm non đều tổ chức nuôi ăn bán trú với số trẻ ăn bán trú tại trường đạt 99,34% (trong đó khối nhà trẻ ăn bán trú đạt 97,38%; khối mẫu giáo ăn bán trú đạt 99,78%). Kết thúc năm học 2020-2021, ở khối nhà trẻ, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn 16/1.460 trẻ ra lớp (chiếm tỷ lệ 1,09%); suy dinh dưỡng thể thấp còi là 43/1.460 trẻ ra lớp (2,94%). Ở khối mẫu giáo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 109/6.703 trẻ ra lớp (1,62%); suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 178/6.703 trẻ ra lớp (2,65%). So với đầu năm học tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm.
Việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non huyện Vụ Bản đã góp phần ươm những mầm non chất lượng trong sự nghiệp “trồng người”. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về sử dụng tận dụng môi trường hiện có, tôn tạo môi trường vật chất thiết bị đồ chơi cho trẻ, thực hiện các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho giáo viên và cán bộ quản lý của những trường có điều kiện khó khăn. Tuyên truyền, huy động có hiệu quả các nguồn lực để tăng cường mở rộng quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng chức năng nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn trong các trường mầm non./.
Bài và ảnh: Minh Thuận