Thời gian qua, cùng với bảo vệ, chăm lo đời sống người lao động, các cấp Công đoàn trong tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhất là công nhân lao động trong các doanh nghiệp. Qua đó, CNVCLĐ đã nâng cao hiểu biết về pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Công đoàn Công ty TNHH May Việt Thuận (KCN Hòa Xá) tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân lao động (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Có mặt tại Công ty TNHH Yamani Dinasty (Nam Trực) để tham dự buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động, nhiều câu hỏi được công nhân đưa ra có liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Lao động, Luật Giao thông đường bộ... Cụ thể là các câu hỏi: Khi công nhân đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ được tính BHXH như thế nào? Lao động nữ đóng BHXH bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu? Trường hợp không làm việc ở công ty nữa thì sẽ phải đóng bảo hiểm ở đâu và đóng như thế nào? Người lao động có quyền lợi và nghĩa vụ gì khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp?... Trường hợp một nữ công nhân trước đây làm việc 7 năm tại một doanh nghiệp tư nhân, tham gia đóng BHXH liên tục nhưng khi xin thôi việc, chị không được thanh toán bất cứ một khoản gì ngoài tiền lương mà trong thời gian chị đã làm việc ở đó. Do không hiểu rõ quyền lợi mình được hưởng nên chị cũng không thắc mắc, đòi hỏi gì. Chỉ đến khi tham dự buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật chị mới biết, khi người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp đủ 12 tháng trở lên và chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc nửa tháng lương, cộng phụ cấp lương (nếu có). Ngoài ra, tại buổi tư vấn, nhiều thắc mắc của người lao động được cán bộ công đoàn trả lời cụ thể, chi tiết…
Hiện, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quản lý 1.686 công đoàn cơ sở với tổng số 142.377 đoàn viên công đoàn. Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới người lao động, hàng năm, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai thực hiện với nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn, thu hút được đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn quán triệt, tuyên truyền các văn bản pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động như: Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn…; hướng dẫn các cấp Công đoàn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng, chống ma túy, tội phạm và các tệ nạn xã hội; tuyên truyền pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông... Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh duy trì phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tuyên truyền các hoạt động của tổ chức công đoàn, phong trào CNVCLĐ; phổ biến các văn bản pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh triển khai kế hoạch giám sát liên ngành năm 2021 về thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đối với 8 doanh nghiệp trên địa bàn, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ triển khai cài đặt ứng dụng BHXH số VssID nhằm tạo điều kiện cho người tham gia BHXH, BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công thuận lợi, nhanh chóng. Chỉ đạo các cấp Công đoàn tập huấn Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật cho công nhân lao động tại Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh. Tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật lưu động cho 150 công nhân lao động Công ty TNHH Thủy sản Lenger (LĐLĐ thành phố Nam Định) giải đáp 28 câu hỏi cho công nhân lao động. Chỉ đạo 1 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 1 công đoàn cơ sở tập huấn Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019… Đồng chí Ngô Chí Thục, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân lao động góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết chính sách, pháp luật để người lao động biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trong quan hệ lao động, góp phần xây dựng hình ảnh người công nhân văn hóa, có nếp sống lành mạnh, không vi phạm các tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp, địa phương”.
Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong công nhân lao động; hướng hoạt động về cơ sở. Tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền am hiểu về pháp luật, có kỹ năng về chuyên môn tuyên truyền pháp luật để kịp thời đưa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người lao động./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh