Thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.
Công chức tư pháp thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. |
UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 9-9-2016 về việc “Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh Nam Định”; chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về việc “Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc” gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tổ chức phát động các phong trào thi đua thực hiện văn hóa công vụ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đưa nội dung thực hiện văn hóa công vụ vào các tiêu chí bình xét thi đua của cơ quan, địa phương. Nổi bật là phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nam Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu đối với tập thể thực hiện theo chủ đề “Thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp”. Đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo chủ đề “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp” với các nội dung: chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm; thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do cơ quan, đơn vị và địa phương phát động, tổ chức. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, phong trào đã tạo chuyển biến tích cực, từng bước xây dựng tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ và lề lối làm việc chuẩn mực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã tổ chức vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Nam Định; triển khai bộ giải pháp “Hỗ trợ người dân tiếp cận với Chính quyền điện tử”; thực hiện ổn định, có hiệu quả gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia; việc giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được thực hiện tốt, vượt kế hoạch đề ra. Các ngành, các đơn vị thường xuyên rà soát, bổ sung đưa vào quy chế, quy trình làm việc; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Nhiều cơ quan đơn vị đã xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện”. Tiêu biểu như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng nội dung chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với cán bộ, công chức, đảng viên: “Biết rộng, hiểu sâu, vận dụng sáng tạo. Rèn luyện viết nói, nền nếp tác phong. Tư tưởng vững vàng, phát ngôn trung thực. Nêu gương đạo đức, tận tụy việc công”; Công an tỉnh xây dựng tiêu chí “10 có, 10 không” và 5 tiêu chí gương mẫu của cán bộ, chiến sĩ Công an Nam Định; Viện KSND tỉnh xây dựng tiêu chí “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm, bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 100% các nhà trường thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, mọi học sinh đều ghi nhớ và đăng ký làm theo “5 điều Bác Hồ dạy”... Cùng với tổ chức phát động và thực hiện các phong trào thi đua, UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, thanh tra công vụ. Năm 2020, các sở, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (Tổ công tác 621) tại 4 huyện; kiểm tra cải cách hành chính tại 11 địa phương, đơn vị. Các huyện, thành phố; lực lượng vũ trang tổ chức 25 đoàn, kiểm tra đối với 102 đơn vị trực thuộc. Qua kiểm tra, đã yêu cầu một số đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính và hoạt động công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính. Những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghiêm trọng quy chế làm việc đều được đề nghị xử lý kỷ luật. Từ các giải pháp quyết liệt, đến nay, việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh được nâng lên rõ rệt. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đã nghiêm túc tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính trong cơ quan, đơn vị đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật; thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao đúng thời hạn; không bỏ sót, đùn đẩy, né tránh công việc được phân công. Tình trạng đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị giảm đáng kể; không còn tình trạng uống rượu bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc. Qua đó đã góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp, cá nhân.
Tuy nhiên việc thực hiện đạo đức công vụ và chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính là nhiệm vụ lớn, đòi hỏi có sự vào cuộc tích cực thường xuyên của các cấp, các ngành. Nhất là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải quán triệt thực hiện nghiêm đạo đức công vụ, văn hóa công vụ, nghiêm cấm mọi hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và tổ chức. Chủ động lựa chọn, bố trí công chức, viên chức có đủ phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp, nơi thường xuyên tiếp xúc với cá nhân và tổ chức. Cải thiện chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh. Bên cạnh đó, kiên quyết thay thế hoặc xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng