Để công tác giáo dục truyền thống trong nhà trường đạt hiệu quả

08:04, 01/04/2021

Xác định công tác giáo dục truyền thống là một trong những nội dung đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện toàn diện, nhân cách, phẩm chất của học sinh, sinh viên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ, những năm qua, hoạt động giáo dục truyền thống trong nhà trường luôn được Sở GD và ĐT, các nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện với nhiều cách thức phong phú, hiệu quả.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) tham quan, tìm hiểu lịch sử, truyền thống tại Bảo tàng tỉnh.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) tham quan, tìm hiểu lịch sử, truyền thống tại Bảo tàng tỉnh.

Với các nội dung học tập và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các nghị quyết của Đảng, của Đoàn; việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” các nhà trường tổ chức nhiều hình thức sinh động, dễ tiếp thu, cảm nhận với học sinh như: sân khấu hóa, hội thi, hội diễn theo chủ đề để thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện. Nhiều trường đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện như Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực), Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên được các nhà trường chú trọng, góp phần hình thành các kỹ năng thói quen tốt trong môi trường học đường, ngoài xã hội cho học sinh, sinh viên như: Ứng xử văn hóa, thân thiện, lành mạnh, chủ động học tập, nghiên cứu khoa học, thường xuyên đọc sách, trau dồi kiến thức; tích cực vận động thanh niên trường học sống đẹp, chia sẻ, học tập những câu chuyện đẹp về lối sống trong xã hội trong học sinh, sinh viên. Nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Đảng, của Đoàn, nhiều hoạt động giáo dục truyền thống được diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia như: tổ chức chuyên mục sinh hoạt đầu tuần, mít tinh kỷ niệm, gặp mặt truyền thống, các cuộc thi tìm hiểu, tổ chức các cuộc du khảo “Về nguồn”, hội diễn văn nghệ... Tiêu biểu như Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) thi viết báo bảng với chủ đề “Người thầy”, Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) tổ chức cuộc thi ảnh và video “Lý Tự Trọng trong tôi”, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tổ chức cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc sinh viên sư phạm kỹ thuật”, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tổ chức cuộc thi ảnh “Tôi yêu trường tôi”, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Nam Định tổ chức cuộc thi “Tuổi trẻ UNETI sống đẹp”. Phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) được duy trì và đẩy mạnh thông qua các hoạt động như: nhận chăm sóc khu di tích lịch sử, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ các gia đình chính sách, các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia tu sửa, làm sạch nghĩa trang liệt sĩ; Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ... 

Để phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương Nam Định cũng như giáo dục về lịch sử truyền thống, lòng yêu nước cho học sinh, sinh viên, các nhà trường đã tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh, bảo tàng, nhà truyền thống các huyện. Tại đây, học sinh, sinh viên còn được tham gia vào các hoạt động như: Thi tìm hiểu về lịch sử Nam Định, lịch sử địa phương, xem hát chầu văn, múa rối nước, chơi các trò chơi dân gian... do cơ quan bảo tàng, nhà truyền thống tổ chức, tăng tính tương tác giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Một số nhà trường có nhiều sáng tạo trong giáo dục truyền thống cho học sinh. Tại huyện Trực Ninh, là vùng đất tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với lễ hội, phong tục tập quán mang đậm giá trị văn hoá bản địa, các trường học trong huyện tổ chức cho học sinh tham dự lễ dâng hương và tham quan, học tập tại các di tích nhân dịp lễ hội và giao nhiệm vụ viết bài giới thiệu lịch sử - văn hoá các di tích trên, phát biểu cảm nhận về lễ hội quê hương, đưa ra biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Việc giáo dục truyền thống bằng hình thức trên đã góp phần bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. 

Việc giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên còn được cụ thể hóa thông qua các phong trào như: chương trình “Tình nguyện mùa đông” và “Xuân tình nguyện”; “Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, an sinh xã hội”...; thông qua các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống của Đảng, của quê hương, đất nước; thông qua các phong trào Đền ơn đáp nghĩa... được phát động, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên toàn tỉnh tham gia, từ đó tác động tích cực đến nhận thức, hành động, tư tưởng, tình cảm và niềm tin của tuổi trẻ, khơi dậy trong thanh niên lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; biết tôn trọng, gìn giữ quá khứ hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước.

Công tác giáo dục truyền thống trong các nhà trường đã và đang phát huy hiệu quả to lớn trong việc giáo dục, rèn luyện, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, công tác này cũng còn có lúc, có nơi, có nội dung mang nặng tính hình thức, chưa thiết thực. Nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống triển khai có hàng nghìn học sinh tham gia nhưng chỉ “đọc” và “chép”. Hoạt động giáo dục truyền thống ở nhiều trường học chưa thiết thực, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội và nhu cầu của học sinh. Nguyên nhân do trình độ, kỹ năng truyền đạt của cán bộ làm công tác này còn yếu; cơ sở vật chất, tài liệu cho hoạt động giáo dục truyền thống còn nghèo nàn, phương pháp máy móc dẫn đến hoạt động giáo dục truyền thống khô cứng thiếu cuốn hút. Mặt khác, không ít hoạt động giáo dục truyền thống còn rập khuôn, chưa gắn được với nhu cầu, lợi ích chính đáng, chưa khơi dậy tinh thần tự học, tự tìm hiểu về truyền thống dân tộc của học sinh, sinh viên. Sự kết hợp giữa các cấp bộ Đoàn với nhà trường, gia đình và xã hội còn mang tính hình thức nên hiệu quả thấp dẫn đến các em chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong các hoạt động giáo dục truyền thống. 

Để công tác giáo dục truyền thống trong học đường đạt hiệu quả hơn nữa, các nhà trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cấp bộ Đoàn, gia đình và xã hội đặc biệt là phát huy tối đa vai trò công tác Đoàn, Đội; đưa công nghệ thông tin và internet vào phục vụ các hoạt động giáo dục truyền thống; xây dựng, bổ sung kho dữ liệu về giáo dục truyền thống của trường và của địa phương. Phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự tìm hiểu về truyền thống của học sinh, sinh viên. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức giáo dục truyền thống trên cơ sở những nguyện vọng, tâm lý và lợi ích chính đáng, phù hợp từng lứa tuổi. Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của học sinh, sinh viên và các phong trào hoạt động công tác Đoàn như: các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động về nguồn, thăm các “địa chỉ đỏ”, tham quan, dã ngoại, ngoại khóa; tổ chức đăng ký, đảm nhận việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; các cuộc thi tìm hiểu liên quan lịch sử hào hùng, truyền thống văn hóa của đất nước, của quê hương, để từ đó, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc trong học sinh, sinh viên./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com