Từng là địa phương có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng hiện nay xã Trực Thuận đang thay da đổi thịt, trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Trực Ninh không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ). Ðây là thành quả đáng khích lệ sau thời gian dài địa phương nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nghèo.
Công ty TNHH Dệt may Phạm Dũng tích cực tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương. |
Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông theo tiêu chí nông thôn mới với những rặng hoa đủ sắc màu đang nở rộ giữa trời xuân, những ngôi nhà kiên cố được xây dựng san sát, đồng chí Ngô Văn Nhẫn, Chủ tịch UBND xã Trực Thuận phấn khởi cho biết: Hiện nay, xã Trực Thuận chỉ còn 9 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đều là người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm. Có được kết quả trên, Ðảng uỷ, HÐND, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội cùng nhân dân trong xã thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm nghèo bền vững. Trong phát triển kinh tế, Ðảng ủy xã đã ra nghị quyết lãnh đạo, UBND xã chỉ đạo Ban nông nghiệp, HTX nông nghiệp tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đã triển khai được các mô hình sản xuất, cánh đồng mẫu lớn, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa. Ðến nay, năng suất lúa của xã đạt 103,5 tạ/ha, giá trị thu nhập đạt 105 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi theo mô hình trang trại tiếp tục phát triển. Trên địa bàn xã hiện có chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn từ tổ chức sản xuất đến giết mổ của Công ty TNHH Ngọc Minh đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ và được chứng nhận cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP. Quy mô trang trại gồm 170 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt. Quy trình sản xuất Công ty khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi lợn thịt, giết mổ, sơ chế tại chỗ rồi vận chuyển cung ứng cho các bếp ăn công nghiệp và Trung tâm Giới thiệu nông sản sạch của tỉnh. Công ty tạo việc làm cho hàng chục lao động ở xã. Toàn xã hiện có 7.000 khẩu, trong đó 70% người trong độ tuổi lao động, đó là điều kiện thuận lợi về nhân lực để các ngành tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì, phát triển. Xã có 3 doanh nghiệp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 150-200 lao động gồm: may Phạm Dũng ở thôn 5, may Quy Vinh ở thôn 4 và xây dựng Minh Tư ở thôn 11. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp đặt tại các địa phương giáp ranh xã Trực Thuận đã tạo việc làm cho trên 1.500 lao động của địa phương. Ðể giúp các hộ nghèo có nền tảng căn bản thoát nghèo, hàng năm xã thực hiện tốt Ðề án 1956 mở từ 1-2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật nông nghiệp Nam Ðịnh (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Ðịnh) tổ chức lớp sơ cấp nghề nông nghiệp và chăn nuôi gia cầm cho gần 62 học viên. Công ty TNHH Dệt may Phạm Dũng phối hợp Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Ðịnh tổ chức 1 lớp may cho 34 học viên. Sau 3 tháng học và nhận chứng chỉ nghề sơ cấp, nhiều học viên được nhận làm việc tại doanh nghiệp Phạm Dũng. Xã đẩy mạnh hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên đầu tiên cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hỗ trợ tín dụng cho 340 gia đình với tổng dư nợ 59 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 490 hộ vay vốn với tổng dư nợ 15,2 tỷ đồng.
Bên cạnh thực hiện kế hoạch dài hơi tạo sinh kế lâu bền cho các hộ nghèo, xã đẩy mạnh huy động sự chung tay của các cấp, các ngành và nhân dân trong xã nhằm giúp đỡ các hộ nghèo với phương châm “lá lành đùm lá rách”. Năm 2019, MTTQ xã hỗ trợ xây 2 ngôi nhà cho các bà: Trần Thị Cấy, xóm 5 là người neo đơn và Trần Thị Don, xóm 10 là người khuyết tật, neo đơn với tổng số tiền 40 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Ðảng uỷ, HÐND, UBND và các đoàn thể chính trị xã hội xã đã trao tặng 52 suất quà bằng tiền mặt, mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã. Ðặc biệt, phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trong các phong trào của địa phương, nhiều tấm gương đảng viên đi đầu trong giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế ở địa phương như các ông: Trần Văn Trọng, Bí thư chi bộ xóm 5; Ðồng Văn Thống, Bí thư chi bộ xóm 3; Vũ Ðình Hệ, Bí thư chi bộ xóm 9. Ông Trần Văn Trọng, Bí thư chi bộ xóm 5 là sĩ quan quân đội nghỉ hưu được Ðảng ủy xã, cán bộ, đảng viên trong thôn tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Từ khi đảm nhận trọng trách trong thôn (năm 2016), ông đã dành toàn bộ số tiền phụ cấp chức danh Bí thư chi bộ đóng góp các quỹ hoạt động của thôn, trong đó trích hỗ trợ chăm lo các hộ có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Ðể đẩy mạnh công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Ðảng ủy, UBND xã Trực Thuận tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong xã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo. Ðưa mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.
Bài và ảnh: Viết Dư