Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện Trực Ninh lần thứ XXV, Trực Ninh là đơn vị đầu tiên của tỉnh đã xây dựng và ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề và 3 Chương trình trọng tâm toàn khóa giai đoạn 2020-2025. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xây dựng và ban hành Chương trình số 05-CTr/HU ngày 17-12-2020 về “khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP huyện Trực Ninh, giai đoạn 2020-2025”, nhằm tiếp tục tạo bước chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2025 và đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trước năm 2030.
Đồng chí Lưu Văn Dương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Trực Ninh luôn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa phát triển bền vững, bảo vệ an ninh nông thôn. Cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao (năm 2019 chiếm 37,6%). Toàn huyện có 9.619ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, đất trồng lúa 7.445ha, đất trồng cây hàng năm, lâu năm 1.035ha, đất nuôi trồng thủy sản 1.139ha. Xác định rõ tầm quan trọng của việc tích tụ, tập trung ruộng đất đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2010, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp và đã đạt được kết quả quan trọng: Khắc phục được tình trạng sử dụng đất manh mún, bình quân từ 3,48 thửa/hộ xuống còn 1,76 thửa/hộ (giảm 1,72 thửa/hộ); 465ha đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung, bằng các hình thức: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, mượn đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để liên kết sản xuất.
Sản phẩm thịt lợn thảo dược Hiền Thục, xã Trực Thái đạt OCOP 3 sao. |
Đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung đã tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư nâng cấp hạ tầng; đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Năm 2020, toàn huyện có 32 cánh đồng lớn với tổng diện tích 1.400ha; có 798ha đất nông nghiệp được tổ chức liên kết sản xuất giữa hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Một số mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất nổi bật như: Mô hình sản xuất rau quả sạch của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh; mô hình chăn nuôi lợn của Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Phúc Hải; và nhiều hộ dân liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, khoai tây… tại các xã, thị trấn: Trực Chính, Liêm Hải, Trung Đông, Trực Tuấn, Trực Thái, Trực Hùng, Ninh Cường… Việc hình thành cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết đã làm giảm chi phí sản xuất, giá trị sản xuất tăng từ 1,2-1,5 lần so với sản xuất thông thường; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu tăng mạnh (100% diện tích làm đất, 40% diện tích gieo sạ, 90% diện tích thu hoạch, 100% kênh cấp 1, cấp 2 và 80% kênh và bờ vùng cấp 3 được nạo vét, áp trúc bằng máy). Công ty TNHH Cường Tân là doanh nghiệp tiêu biểu của huyện thực hiện hiệu quả việc dồn điền, đổi thửa, tạo quỹ đất lớn cho sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công ty đã thuê, gom ruộng trong thời hạn từ 5-10 năm tại một số xã của huyện (Trực Hùng, Trực Phú, Trực Đại, Trực Thái), trên địa bàn huyện Xuân Trường (Xuân Ninh, Xuân Thượng) và Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Liên kết sản xuất giống lúa lai F1 trên 450ha với phương thức tổ chức sản xuất: Công ty đầu tư giống gốc, hóa chất, kỹ thuật, thủy lợi, trang bị công cụ cơ giới hóa sản xuất, ứng vốn cho nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm hạt giống lúa lai F1. Hộ nông dân đầu tư công lao động, sản xuất theo đúng quy trình công nghệ và giao nộp toàn bộ sản phẩm hạt giống lai F1 cho Công ty. Hiện nay, giá bán các sản phẩm giống lúa lai F1 thấp hơn giá giống lúa lai ngoài thị trường từ 20-30%. Với sản lượng từ 1.000-1.500 tấn giống lúa lai F1 hàng năm đã tiết kiệm cho nông dân từ 10-25 tỷ đồng mỗi năm. Sản lượng giống lúa lai F1 của Công ty đã thay thế một phần giống lúa nhập nội, góp phần từng bước chủ động giống cho sản xuất, tạo thêm hàng trăm nghìn công lao động, giá trị hàng chục tỷ đồng. Công ty tổ chức hệ thống phân phối sản phẩm giống lúa tới bà con nông dân tại 38 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, Công ty liên kết với các HTX và hộ nông dân tổ chức sản xuất cây vụ đông và bao tiêu sản phẩm dưa chuột bao tử, bí xanh và cây rau màu các loại; phục vụ cho nhu cầu thị trường và chế biến hàng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người lao động. Thời gian qua, để góp phần xây dựng NTM của địa phương, Công ty đã sửa chữa và xây mới cầu thông nước, kiên cố hóa kênh cấp 3 kết hợp nâng cấp bờ kênh làm đường giao thông nội đồng các vùng sản xuất lúa giống tập trung tại xã Trực Thái, xã Trực Hùng (Trực Ninh); xã Xuân Ninh (Xuân Trường) với giá trị trên 9,9 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện Trực Ninh bình quân đạt 2,25%/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 106,1 triệu đồng (năm 2016) lên 115,8 triệu đồng (năm 2020). Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ; giảm tỷ trọng trồng trọt. Các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi liên kết giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 13,5%/năm. Các ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, phát triển đa dạng. Tốc độ tăng giá trị ngành dịch vụ bình quân 8,01%/năm. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 265 triệu USD (ước thực hiện năm 2020), tăng bình quân 51,2%/năm. Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển; từ giao thông huyết mạch đến giao thông nông thôn với tổng chiều dài 232,62km. Hệ thống đê, kè, cống cũng được quan tâm, đầu tư đúng mức với tổng số gần 36km đê, kênh các loại được cải tạo, nâng cấp. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) dần được các xã, thị trấn quan tâm thực hiện, đã tận dụng, phát triển được các sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 12 sản phẩm của 7 cơ sở, tại 4 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như: Gạo Nhật Cường Tân - KoJi, gạo sạch Cường Tân - Hương Cốm của Công ty TNHH Cường Tân (xã Trực Hùng); Thịt lợn thảo dược Hiền Thục, Xúc xích Hiền Thục, Ruốc thịt lợn thảo dược Hiền Thục của Trang trại chăn nuôi Hiền Thục (xã Trực Thái); Nấm Linh Chi của Hợp tác xã sản xuất Nấm Nhật Bằng; Dầu lạc nguyên chất Lân Hiền của hộ kinh doanh Hoàng Thị Hiền (thị trấn Cát Thành); Nước mắm nguyên chất Ninh Cường của hộ kinh doanh Trần Văn Phúc (thị trấn Ninh Cường); Mắm tôm Văn Định của hộ kinh doanh Trần Văn Định (xã Trực Hùng)…
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, TUV, Bí thư Huyện ủy cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trực Ninh lần thứ XXV, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xây dựng Chương trình khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP huyện Trực Ninh, giai đoạn 2020-2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất được tích tụ, tập trung, có tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ khoảng 1.500ha. Mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 cánh đồng lớn thực hiện 3 cùng: cùng giống, cùng trà, cùng quy trình canh tác. Toàn huyện có khoảng 40 sản phẩm OCOP; mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất 1 sản phẩm OCOP. Để thực hiện mục tiêu và chỉ tiêu trên, huyện đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với đề án, lựa chọn quy hoạch các vùng sản xuất có điều kiện tự nhiên thuận lợi làm địa điểm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận ruộng đất thông qua các hình thức thuê đất, nhận chuyển nhượng và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của các hộ dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao; trước mắt, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết sản xuất trên địa bàn huyện như Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh... Tăng cường quản lý vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và chất lượng sản phẩm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của huyện để xây dựng sản phẩm OCOP. Lựa chọn bộ giống cây trồng, con nuôi đặc trưng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao thích ứng với biến đổi khí hậu cho các sản phẩm chủ lực. Nhân rộng mô hình sản xuất giống cây trồng, con nuôi của Công ty TNHH Cường Tân (xã Trực Hùng), Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Phúc Hải (xã Phương Định, Liêm Hải) và các cơ sở ngành nghề nông thôn tại địa phương để hình thành các sản phẩm OCOP mang bản sắc, hình ảnh của huyện Trực Ninh. Hình thành, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nhằm làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, sức lao động. Phát triển mạnh trang trại sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX nông nghiệp và nhóm hộ, tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản./.
Bài và ảnh: Việt Thắng