Thực hiện Chương trình phối hợp số 09 ngày 1-8-2013 giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” (gọi tắt là Đề án I/138). Những năm qua MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò chủ trì, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên thực hiện các nội dung của Đề án I/138 gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.
Cán bộ MTTQ xã Hải Hưng (Hải Hậu) thường xuyên tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho nhân dân. |
Hàng năm, MTTQ tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các huyện, thành phố phối hợp triển khai có hiệu quả Đề án gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Xây dựng khu dân cư (KDC) 5 không”, “Xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH). Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm, cảm hóa người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư. MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, ngành chức năng triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động với hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, Đài phát thanh các huyện, thành phố, đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn xây dựng trên 5.000 tin bài, phóng sự tuyên truyền phòng, chống tội phạm; in hàng nghìn cuốn tài liệu cấp phát cho các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; cung cấp 6.234 cuốn sổ tay công tác Mặt trận hỏi đáp về công tác phòng, chống tội phạm, TNXH, HIV/AIDS... Từ năm 2017 đến nay, MTTQ tỉnh, huyện đã tổ chức 18 lớp tập huấn cho cán bộ MTTQ các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn và ban công tác Mặt trận ở KDC về các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác Mặt trận, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Xây dựng KDC 5 không”, trong đó có nội dung về phòng, chống tội phạm, ma túy và TNXH. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, MTTQ các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền và vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; trong đó có các kiến thức về công tác phòng, chống tội phạm, kỹ năng vận động, cảm hóa, giúp đỡ người lẫm lỗi hoàn lương, hòa nhập cộng đồng cho trên 2.000 đại biểu là trưởng ban công tác Mặt trận và trưởng các nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật ở các KDC. Toàn tỉnh đã kiện toàn 3.492 nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở các KDC với trên 20 nghìn thành viên, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, công tác vận động các KDC, hộ gia đình ký cam kết tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy, TNXH, đăng ký xây dựng KDC 5 không cũng mang lại hiệu quả cao. Đến nay, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức cho 120 nghìn lượt hộ gia đình ký cam kết quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật, không mắc các TNXH, ký cam kết gia đình đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng KDC 5 không”.
Điểm nổi bật trong công tác phối hợp thực hiện Đề án I/138 là MTTQ và các tổ chức thành viên đã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm, ma tuý, TNXH tại hầu khắp các địa bàn dân cư. Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì nhiều phong trào, mô hình quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm đem lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu là các mô hình “Thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Thôn xóm không có tội phạm, TNXH”, “Làng văn hoá” tại địa bàn nông thôn; “Xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Chùa tinh tiến”, “Xứ, họ đạo không có tội phạm, TNXH”, “Xứ họ không có ma tuý” tại các địa phương có đông đông bào có đạo; mô hình “Bình yên tuyến biển”, “Tuyến biên phòng không có tội phạm” tại các địa phương tuyến biên phòng; “Xã, phường không có tội phạm, không có ma tuý”, “Khu dân cư không có tội phạm”, “Tuyến phố văn minh đô thị”, “Liên gia tự quản, hộ dân tự phòng” tại địa bàn thành phố Nam Định... Với quan điểm chỉ đạo “Lấy gia đình làm trung tâm quản lý, cảm hoá, giáo dục người phạm tội” để phát hiện sớm, kịp thời ngăn ngừa các hình thức phạm tội, phát sinh tội phạm trong cộng đồng dân cư, từ năm 2017 đến nay, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã phối hợp cảm hóa giáo dục 3.410 đối tượng mắc TNXH, trong đó trên 1.000 người đã tiến bộ; 2.097 người cai nghiện tại cộng đồng dân cư, trong đó 387 người cai nghiện thành công. Với các hoạt động thiết thực, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia phòng, chống tội phạm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về an ninh trật tự.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án I/138 trong giai đoạn tiếp theo, MTTQ tỉnh tăng cường phối hợp triển khai công tác phòng, chống tội phạm và TNXH. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; chú trọng công tác vận động gia đình, họ tộc, người tiêu biểu, chức sắc trong các tôn giáo tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào có tính đặc thù của từng địa phương. Củng cố, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, các hình thức câu lạc bộ, tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản, tổ hòa giải, chốt gác nhân dân, đội thanh niên xung kích... Đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, TNXH, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở./.
Bài và ảnh: Lam Hồng