Hiểu đúng để sử dụng pháo hoa để vui Tết đón Xuân an toàn

04:02, 09/02/2021

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11-1-2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý sử dụng pháo trước đây đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Không ít người đã hiểu nhầm Nghị định này ra đời nhằm cho phép bắn pháo trong nhiều dịp, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm pháp luật.

Lực lượng chức năng thành phố Nam Định tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết.
Lực lượng chức năng thành phố Nam Định tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết.

Từ những vụ việc điển hình

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã bắt khá nhiều đối tượng liên quan đến việc vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ. Điển hình như ngày 30-11-2020, vào khoảng 19 giờ, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) làm nhiệm vụ tại khu vực đường Trần Khánh Dư, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) phát hiện và bắt quả tang Trần Trọng Cảnh điều khiển xe máy biển kiểm soát 18L1-104.86 chở theo một bao tải có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện bên trong bao tải có 2 vật hình khối hộp cùng loại vỏ màu đỏ vàng, mỗi vật có kích thước khoảng (15x15x15)cm gồm 36 quả hình trụ kết lại; 1 vật hình khối hộp vỏ màu hồng vàng, có kích thước khoảng (15x15x15cm) gồm 36 quả hình trụ kết lại và 2 vật cùng loại vỏ màu đỏ, mỗi vật gồm nhiều quả kết lại với nhau thành vỉ, mỗi quả có kích thước cao khoảng 6,5cm đường kính khoảng 3cm. Cảnh khai nhận toàn bộ số đồ vật trên là pháo nổ. Tổ công tác tiến hành thu giữ, niêm phong tang vật. Quá trình điều tra, lực lượng Công an xác định được Trần Trọng Cảnh (SN 1987), trú tại 11/17/52 Vĩnh Trường, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là em rể của Phạm Ngọc Anh (SN 1984), trú tại thôn 3 xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội). Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận, vào khoảng 16 giờ ngày 29-11-2020, Ngọc Anh lên mạng xã hội Facebook để tìm mua pháo nổ và đặt mua 3 dàn pháo hoa nổ dạng 36 quả và 2 dây pháo nổ với mục đích để sử dụng (đốt) vào Tết Nguyên đán. Ngọc Anh đưa số điện thoại của Cảnh cho đối tượng bán pháo để liên lạc, sau đó Ngọc Anh gọi điện cho Cảnh để nhờ lấy pháo và thanh toán tiền hộ Ngọc Anh. Sau khi Cảnh bị bắt, đến khoảng 22 giờ ngày 30-11-2020, Phạm Ngọc Anh đã đến Công an phường Lộc Vượng đầu thú. Phạm Ngọc Anh và Trần Trọng Cảnh đã khai nhận toàn bộ hành vi tàng trữ hàng cấm là pháo nổ, tất cả số pháo nổ trên có khối lượng 8,369kg. Cơ quan điều tra đã hoàn thiện hồ sơ và khởi tố vụ án. Tòa án nhân dân thành phố Nam Định đã đưa vụ án ra xét xử lưu động tại phường Lộc Vượng tuyên án hai đối tượng phạm tội "Tàng trữ hàng cấm" theo điểm C khoản 1 Điều 191 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào các tình tiết và chứng cứ, Hội đồng xét xử đã tuyên Phạm Ngọc Anh 15 tháng tù; Trần Trọng Cảnh 12 tháng tù.

Cũng trong trong đợt cao điểm phòng chống tội phạm dịp trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, vào hồi 19 giờ ngày 24-12-2020, trên trục đường xóm 3, xã Giao Lạc (Giao Thủy), cán bộ Đồn Biên phòng Ba Lạt đã bắt quả tang Đinh Văn Tương (SN 2001) và Trần Văn Trọng (SN 2002) cùng trú tại xóm 19, xã Giao Lạc đang tàng trữ trái phép 1,6kg pháo nổ do Trung Quốc sản xuất. Đồn Biên phòng Ba Lạt đã hoàn chỉnh hồ sơ, xử phạt hành chính mỗi đối tượng 7,5 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy tang vật.

Hiểu đúng về pháo hoa người dân được sử dụng

Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy xét xử lưu động bị cáo Nguyễn Văn Khôi (SN 2001), trú tại xã Trực Thắng (Trực Ninh) về tội
Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy xét xử lưu động bị cáo Nguyễn Văn Khôi (SN 2001), trú tại xã Trực Thắng (Trực Ninh) về tội "Buôn bán hàng cấm".

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt là Nghị định 137), có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Cụ thể, điểm mới nhất trong Nghị định 137 là Chính phủ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Theo Đại tá Vũ Đức Trung, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), liên quan đến quy định trong Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, trước hết người dân cần phân biệt khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn. Theo đó, pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định tại Điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137 là loại pháo được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Thực tế, loại pháo hoa này người dân vẫn đang sử dụng trong các dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi Nghị định 137 ra đời. Còn loại pháo hoa nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng màu sắc trong không gian. Hiện nay pháp luật cấm tuyệt đối người dân sử dụng loại pháo này. Người dân sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính tùy mức độ vi phạm. Loại pháo hoa nổ chỉ được sử dụng trong các dịp kỷ niệm bởi những cơ quan, tổ chức nhất định. Ngoài ra, Nghị định 137 cũng quy định người sử dụng pháo hoa phải là "người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ"; chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa nổ.

Do tính chất đặc biệt của Nghị định này; đồng thời, do nhu cầu sử dụng pháo hoa trong xã hội là không nhỏ, dư luận cũng cho rằng, để tránh gây sự nhầm lẫn trong xã hội, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường tổ chức quán triệt, triển khai Nghị định 137; tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ và thống nhất về các quy định của pháp luật liên quan quản lý pháo; giúp người dân nhận thức rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn cháy, nổ khi sử dụng những loại pháo hoa được cho phép... Qua đó, vừa giúp người dân hiểu đúng, chấp hành tốt các quy định của pháp luật; vừa góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép; không để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi buôn bán lậu pháo hoa.

Nghị định 137/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào ngày 11-1-2021 khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề. Đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trái phép. Giám đốc Công an tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo Công an toàn tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Đối với cơ quan, tổ chức và nhân dân cần hiểu đúng để thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ, tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra khi sử dụng pháo hoa, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về./.

Bài và ảnh: Xuân Thu Hoàng Tuấn


 



Danh mục hộp quà tặng tết cho đối tác tinh tế

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com