Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

06:02, 01/02/2021

Xác định phát triển giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tiến bộ khoa học - công nghệ, những năm qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Một buổi học thực hành tại Khoa cơ khí chế tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.
Một buổi học thực hành tại Khoa cơ khí chế tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định.

Từ những điểm sáng

Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Ðịnh hiện đang đào tạo trình độ cao đẳng 13 nghề, trình độ trung cấp 31 nghề và trình độ sơ cấp 33 nghề. Ðể thực hiện tốt công tác tuyển sinh, trường tổ chức khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động trong tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng; tổ chức tuyển sinh tại địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu vực đông dân cư; phối hợp với các trường THPT, các doanh nghiệp tổ chức hội nghị, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về học nghề, chế độ, chính sách về học nghề, năng lực đào tạo của nhà trường để thu hút người học nghề. Trong đào tạo, nhà trường chú trọng “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, phù hợp với từng cấp độ đào tạo. Thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo, đào tạo theo địa chỉ. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp để các em có điều kiện thực hành, rèn luyện tay nghề. Trường đã liên kết đào tạo với 50 doanh nghiệp trên cả nước, tiêu biểu như: Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long (Hà Nội), Công ty Ống thép Hoà Phát (Hưng Yên), Công ty Cổ phần Kỹ thuật Thăng Tiến (Hà Nội), Công ty Cổ phần Kỹ thuật Sigma (Hà Nội)… Ðến nay trường đã tuyển được trên 1.500 học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp và trên 1.000 học viên trình độ sơ cấp. Năm học 2019-2020, tỷ lệ tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ sơ cấp của trường đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp văn hóa giáo dục thường xuyên cấp THPT đạt 98,27%; tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm đạt từ 90 đến 95%; một số ngành, nghề đạt tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100% như ngành cơ khí, điện, may…

Sau 2 năm thực hiện chuyển đổi mô hình Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) theo Thông tư liên tịch 39 của liên Bộ GD và ÐT, Bộ Nội vụ và Bộ LÐ-TB và XH, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Hậu đã chú trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trung tâm đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề đồng bộ, đa dạng về chủng loại. Ðồng thời, xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó các nghề hàn điện, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, chăm sóc cắt tỉa cây cảnh, trồng nấm… Ðể góp phần khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” mất cân đối trên thị trường lao động, ngoài việc thường xuyên cử cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trung tâm phối hợp với các ban, ngành và các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền các quyền lợi trong việc học nghề cho người lao động. Phối hợp hiệu quả với các trường THCS, THPT và chính quyền các cấp nhằm phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 9 và khối 12, khuyến khích các em tham gia học nghề; tổ chức điều tra, khảo sát phân tích nhu cầu học nghề của từng vùng; liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để gắn học lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường; liên kết với các doanh nghiệp có uy tín tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng, để cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các khu công nghiệp, nhà máy đảm bảo người lao động có việc làm sau đào tạo. Thời gian gần đây, trước nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề của các công ty, doanh nghiệp ngày một tăng, Trung tâm đã từng bước điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng các ngành nghề mới như: Trung cấp nghề điện lạnh, Ðiều khiển thi công máy cơ giới, Lễ tân, Chế biến món ăn, Chăn nuôi thú y, Bảo vệ thực vật... Theo khảo sát của Trung tâm, đến nay có trên 80% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khóa học nghề và làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Xây nền vững móng tương lai

Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 cơ sở GDNN, gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 Trung tâm GDNN và 12 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp công lập thuộc tỉnh quản lý. Về cơ cấu ngành nghề đào tạo, toàn tỉnh hiện đào tạo trên 110 ngành nghề với quy mô đào tạo bình quân 34 nghìn người/năm. Quy mô đào tạo chia theo các ngành, lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 36,54%; Công nghiệp chiếm 39,82%; thương mại - du lịch chiếm 23,64%, phù hợp với quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của tỉnh theo Quyết định số 1462/QÐ-UBND ngày 23-8-2011 của UBND tỉnh. Trong 110 ngành nghề đào tạo có 40 ngành nghề nằm trong dự án đầu tư ngành nghề trọng điểm theo Quyết định số 1836 ngày 27-11-2017 của Bộ LÐ-TB và XH gồm: 3 ngành nghề cấp độ quốc tế; 7 ngành nghề cấp độ khu vực ASEAN; 30 ngành nghề cấp độ quốc gia với tổng quy mô đào tạo khoảng 2.500 người/năm. Tỉnh ta xác định một trong những yếu tố then chốt nhằm nâng cao chất lượng GDNN là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đảm bảo về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.175 nhà giáo, trong đó trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 27,35%, trình độ đại học chiếm 39,72%; 100% nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm; 35,3% có trình độ kỹ năng nghề; trình độ ngoại ngữ, tin học lần lượt 81% và 82,5%. Các cơ sở GDNN chú trọng nâng cao chất lượng ngành nghề đào tạo; chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, phân tích công việc theo vị trí việc làm tương ứng với các nhiệm vụ và công việc của ngành, nghề, với sự tham gia của doanh nghiệp; cấu trúc chương trình được xây dựng theo mô đun tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo. Tại tỉnh ta, công tác xã hội hoá GDNN và gắn kết doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài 4 doanh nghiệp được cấp đăng ký hoạt động GDNN, trung bình mỗi năm có khoảng trên 60 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cam kết nhận lao động sau tốt nghiệp vào làm tại doanh nghiệp. Tiêu biểu như: Công ty TNHH May mặc Smartshirts, Công ty TNHH May Phúc Hằng... Tính từ khi triển khai thực hiện Luật GDNN, kết quả tuyển sinh đào tạo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tăng lên hàng năm, toàn tỉnh hiện có 35,2 nghìn người được đào tạo nghề (tăng 2,6% so với năm 2019); trình độ trung cấp, cao đẳng là 6.506 người (tăng 8,8% so với năm 2019), dạy nghề cho lao động nông thôn là 5.199 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 46%. Do đẩy mạnh gắn kết nhà trường với doanh nghiệp trong công tác đào tạo, thực tập, thi công nhận tốt nghiệp, học sinh sau tốt nghiệp được doanh nghiệp chấp nhận về tay nghề và được tuyển thẳng làm việc tại doanh nghiệp. Theo thống kê hàng năm, học sinh sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%, mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; có những ngành nghề học sinh chưa nhận bằng tốt nghiệp, doanh nghiệp đã nhận vào làm việc (như nghề Hàn, May, Công nghệ ô tô...). Vừa qua, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2020-2025, lãnh đạo Tổng cục GDNN (Bộ LÐ-TB và XH) đánh giá cao sự chủ động của tỉnh ta trong phát triển GDNN và cho rằng kết quả tỷ lệ lao động qua đào tạo ở tỉnh ta ở mức khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Có được kết quả đó một phần bởi việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN được tỉnh triển khai quyết liệt…

Từ thực tế cho thấy hoạt động đào tạo nghề đã và đang từng bước hướng vào phục vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng; xây dựng thành phố Nam Ðịnh thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng GDNN, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GDNN. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GDNN theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh; các trường đào tạo đa trình độ, ngành nghề; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và trên thế giới ở một số ngành nghề yêu cầu lực lượng lao động có chất lượng cao; khuyến khích thành lập mới các cơ sở GDNN tư thục và cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài... Coi trọng quản lý chất lượng đầu ra đồng thời với quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN. Từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nghề theo lộ trình chung để đảm bảo chất lượng GDNN theo hướng lâu dài, bền vững./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com