Đa dạng hình thức trải nghiệm cho trẻ mầm non

07:02, 25/02/2021

Để nâng cao chất lượng chương trình Giáo dục mầm non (GDMN), đổi mới các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, các trường mầm non trên toàn tỉnh đã tích cực đổi mới tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các hoạt động tham quan, thực hành, trải nghiệm từ những kiến thức được xây dựng phù hợp đặc điểm của trẻ và các điều kiện sẵn có của đơn vị, địa phương.

Hoạt động trải nghiệm của các cháu Trường Mầm non Sao Vàng (ảnh 1) và Trường Mầm non Mỹ Xá (ảnh 2), thành phố Nam Định.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Hoạt động trải nghiệm của các cháu Trường Mầm non Sao Vàng, thành phố Nam Định.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

 

Thực hiện hướng dẫn của Sở GD và ĐT nhiệm vụ năm học, với mục tiêu đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, ngay từ đầu năm học, các trường mầm non đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm, rèn kỹ năng sống cho trẻ. Không chỉ các trường mầm non công lập, mà các trường, các cơ sở mầm non tư thục cũng tích cực vào cuộc thực hiện hiệu quả công tác này. Các hoạt động trải nghiệm trong môi trường lớp học, môi trường ngoài lớp học được các nhà trường đặc biệt quan tâm và sáng tạo với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Các nội dung trải nghiệm được các trường lồng ghép phù hợp từng chủ đề - chủ điểm, nhằm giúp trẻ tiếp nhận nội dung cụ thể, xâu chuỗi chủ đề nhẹ nhàng, thông qua đó trẻ được rèn luyện các kỹ năng cơ bản, thực tiễn phù hợp với từng độ tuổi. Đơn cử như vào dịp trước Tết Nguyên đán các trường mầm non tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: gói bánh chưng, “Lễ hội mùa xuân của bé”; Phiên chợ Tết, không gian Tết xưa… qua đó, trẻ được vui chơi, tham gia tích cực vào các hoạt động trải nghiệm trong không khí vui tươi, ấm áp. Hoặc thực hiện chủ đề “Nghề nghiệp”, từ việc thực hành trên lớp và để các em có thêm kiến thức thực tế qua các hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp, trẻ biết những điều rất dễ hiểu như: Tên gọi của các nghề, nơi làm việc, đồ dùng, công cụ, trang phục, quy trình công việc, sản phẩm... giúp trẻ dễ dàng tiếp thu những kiến thức cơ bản nhất về ngành nghề, các trường tổ chức đưa trẻ đi tham quan nơi người lớn thực hiện công việc của nghề giúp trẻ quan sát từng chi tiết hoạt động của nghề, trò chuyện hoặc được nghe người làm nghề tự giới thiệu về công việc cụ thể của nghề, giúp trẻ hứng thú và ghi nhớ đặc điểm của nghề đó nhanh hơn. Đơn cử như hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp ở một số trường mầm non của các huyện Hải Hậu, Giao Thủy nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12) hàng năm, các nhà trường tổ chức cho trẻ đi tham quan trải nghiệm tại các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn, trẻ được tham gia nhiều hoạt động như: các trò chơi tìm hiểu về công việc của các chú bộ đội, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, múa hát, hoạt động mọi lúc mọi nơi… các chú và cả những bài hát, bài thơ ca ngợi các chú bộ đội, giúp các em hiểu biết hơn về công việc và nhiệm vụ của các chú bộ đội biên phòng. Hoặc với chủ đề “Quê hương - Đất nước”, trẻ được tham quan các đường làng, ngõ xóm, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh địa phương, qua đó trẻ thỏa sức được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm… 

Với nhiều nội dung và hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm, những lợi ích trong rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non, phương pháp học tập thông qua trải nghiệm đã nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh cũng như từ trẻ. Trẻ hào hứng tham gia các hoạt động tham quan trải nghiệm; phụ huynh cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con em mình hòa nhập, trải nghiệm thực tế nên đã rất đồng tình ủng hộ và trực tiếp hỗ trợ nhà trường về nhiều mặt. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm còn giúp trẻ sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi...) để có thể tăng khả năng ghi nhớ lưu giữ những thông tin, nội dung đã được tiếp cận lâu hơn. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp trẻ có thể tối đa hóa khả năng sáng tạo, tính năng động và thích ứng. Trẻ được trải qua quá trình khám phá kiến thức và tìm giải pháp, từ đó giúp phát triển năng lực cá nhân và tăng cường sự tự tin. Hoạt động trải nghiệm giúp cho việc học trở nên thú vị hơn với trẻ và việc dạy trở nên nhẹ nhàng hơn với giáo viên. Qua các hoạt động trẻ được trải nghiệm, trẻ cũng lĩnh hội được kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như: Kỹ năng lao động, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác trong nhóm bạn bè..., trẻ vui tươi, sảng khoái, phấn khởi hiểu biết và tự hào về quê hương của mình… Một số hoạt động trải nghiệm còn có sự tham gia của phụ huynh cùng làm cùng chơi với trẻ, được chứng kiến sự trưởng thành của các con, từ đó thêm tin yêu, ủng hộ các hoạt động của nhà trường. 

Hoạt động trải nghiệm của các cháu Trường Mầm non Sao Vàng (ảnh 1) và Trường Mầm non Mỹ Xá (ảnh 2), thành phố Nam Định. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Hoạt động trải nghiệm của các cháu Trường Mầm non Mỹ Xá, thành phố Nam Định.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm, các nhà trường luôn chú ý đến việc đảm bảo môi trường hoạt động an toàn cho trẻ cả về thể chất, tinh thần. Giáo viên thực hiện chương trình, nội dung phát triển trẻ hướng đến các mục tiêu phát triển cụ thể: Thể chất, nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp, tình cảm xã hội... phù hợp với đặc điểm sinh lý của trẻ. Các đồ chơi, công cụ, vật liệu... trong hoạt động trải nghiệm đều được chú ý tới kích cỡ phù hợp độ tuổi của trẻ, đặc biệt phải an toàn, không gây nguy hiểm cho trẻ. Việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm với thời lượng, thời gian phù hợp để khi kết thúc hoạt động, trẻ thực sự có tâm trạng vui thích, phấn khởi, tích cực và mong muốn được tham gia các hoạt động tiếp theo. 

Để nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non, các trường đã thực hiện tốt các giải pháp: Bồi dưỡng đội ngũ tại chỗ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ. Đồ chơi trong lớp được sắp xếp khoa học tại các góc giúp trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng. Các nhà trường tận dụng sân, vườn, hiên chơi của các lớp, cho trẻ thực hiện các hoạt động trải nghiệm (chăm sóc cây, chơi với cát và nước...). Các trường có diện tích sân vườn rộng thiết kế sân trường thành những khu vui chơi ngoài trời đẹp, hấp dẫn như: sân bóng, góc chơi cát, nước, đồi cỏ, khu chơi với đồ chơi ngoài trời, góc chơi trò chơi dân gian, sân chơi giao thông, vườn rau của bé, thư viện thân thiện..., tiêu biểu như các trường mầm non Hải Châu (Hải Hậu); thị trấn Quất Lâm, Ngô Đồng, Giao Phong, Giao Lạc (Giao Thủy); Xuân Vinh (Xuân Trường); Sao Vàng, Thống Nhất (thành phố Nam Định)...  

Từ hiệu quả thiết thực của hoạt động giáo dục trải nghiệm thời gian qua, trong những năm học tới, ngành GD và ĐT định hướng tiếp tục phát triển hoạt động giáo dục này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, thực hiện chương trình GDMN mới./.

 Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com