Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) toàn diện, hiệu quả, góp phần tích cực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ xã Nam Lợi (Nam Trực) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân. |
Tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tích cực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ CCHC với những giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về CCHC. Trong giai đoạn 2016-2020 UBND tỉnh đã ban hành 101 Quyết định công bố 5.581 thủ tục hành chính (TTHC); trong đó ban hành mới 2.704 TTHC, sửa đổi 719 TTHC, bãi bỏ 2.036 TTHC, từ đó giúp giảm thời gian, tiết kiệm tiền, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó UBND tỉnh triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 17/17 cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tập trung tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện, 226/226 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Công tác cải cách TTHC còn đi sâu vào việc đẩy mạnh liên thông trong giải quyết TTHC giữa các ngành, các cấp; tăng số lượng các TTHC trực tuyến mức độ 3, 4… Từ năm 2015 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiếp nhận hơn 5 triệu hồ sơ, số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,5%. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử. Hiện nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước 3 cấp của tỉnh, đến các cơ quan Trung ương và một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trên 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được kết nối liên thông qua Trục liên thông văn bản của tỉnh. Bình quân một tháng có gần 60 nghìn văn bản đến và hơn 11 nghìn văn bản đi được xử lý trên phần mềm. Bên cạnh đó, việc xây dựng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng được thực hiện hiệu quả. Hiện tại, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước 3 cấp của tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 533 chứng thư số cho tổ chức và 1.716 chứng thư số cho cá nhân là các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh, các đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành; Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đây là yếu tố then chốt để hoàn thành ứng dụng chữ ký số chuyên dùng thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử thay thế văn bản giấy trong giải quyết công việc. Bình quân hàng tháng có gần 9.000 văn bản sử dụng chữ ký số của các cơ quan hành chính Nhà nước ở 3 cấp của tỉnh được xử lý trên phần mềm Quản lý văn bản và gửi đi trên Trục liên thông văn bản của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh thực hiện nghiêm túc việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có hiệu quả, tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XII). 100% số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, phòng chuyên môn cấp huyện được quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức đúng quy định. Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập, triển khai các đề án sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, so với năm 2015 đến nay, tỉnh đã giảm được 199 đơn vị sự nghiệp công lập (15,4%)… Những kết quả trên đã góp phần đưa các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh chuyển biến rõ rệt qua các năm; nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh về điểm và thứ hạng như: Công tác chỉ đạo điều hành, cải cách TTHC, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và nâng cao chất lượng công chức, viên chức... Kết quả từ CCHC đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2020, dù ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, nhưng môi trường đầu tư của tỉnh vẫn sôi động; đưa tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt gần 7%, thuộc nhóm cao của cả nước. Trong 5 năm qua, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 506 dự án; trong đó có 116 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 390 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư ước đạt 3,5 tỷ USD và hơn 32 nghìn tỷ đồng, góp phần đạt và vượt kế hoạch 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 đưa công tác CCHC thuộc nhóm khá của cả nước, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp: Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực. Thực hiện sắp xếp lại cơ quan hành chính các cấp, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII), nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; trọng tâm là cơ cấu lại tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh giản, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính cho phù hợp với quy định mới của Chính phủ; chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Tiếp tục cải cách công vụ, cải cách TTHC; hiện đại hóa hành chính và cải cách tài chính công. Hiện đại hóa nền hành chính gắn với xây dựng Chính quyền điện tử. Cải cách tài chính công gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về CCHC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện công tác CCHC; phát huy vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với công tác CCHC. Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác CCHC; bố trí đủ nguồn lực tài chính cho CCHC./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng