Trong cuộc sống hôm nay, ngày càng có nhiều phụ nữ dám đương đầu với khó khăn, thử thách để theo đuổi khát khao, đam mê lập nghiệp. Với những kiến thức, vốn sống tích luỹ và sự quyết tâm, cùng sự trợ lực của các cấp hội phụ nữ đã giúp nhiều chị em đạt được thành công.
Chị Bùi Thị Thủy giới thiệu sản phẩm hữu cơ do Công ty sản xuất. |
Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Bùi Thị Thủy ở xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) chọn con đường khởi nghiệp đầy ấn tượng với 3 thương hiệu mang bản sắc của riêng mình cùng những đóng góp cho làng xóm, cộng đồng. Thủy thực hiện ý tưởng của mình từ khi còn học đại học năm thứ nhất với trải nghiệm thực tế để tích góp vốn kiến thức khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, Thủy làm trợ lý cho 2 Công ty nước ngoài, đồng thời bắt tay thực hiện các dự án xã hội và tiếp tục ý tưởng khởi nghiệp. Chị có 2 dự án, trong đó có nhóm dự án Book Ambassadors (tạm dịch là đại sứ sách) với 2 mảng hoạt động xã hội và mảng hoạt động mô hình doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp fairtrade (thương mại công bằng). Mảng hoạt động xã hội Thủy tập trung vào hoạt động nhặt và phân loại rác, tái chế và tổ chức chương trình “rác và môi trường” tại các trường học và các địa phương trong cả nước. Đồng thời xây dựng những ngôi nhà sách nhỏ với mục đích gắn kết tình bạn, tình làng xóm thông qua tủ sách tự trao đổi, tự quản, tự xây dựng; Thư viện cảm xúc với chủ đề: chia sẻ tình yêu với cộng đồng bị xã hội kỳ thị và gặp khó khăn trong cuộc sống; người trầm cảm; về vấn đề bình đẳng giới dành cho phụ nữ và trẻ em... Mảng hoạt động mô hình doanh nghiệp xã hội, nhóm Book Ambassadors nghiên cứu xây dựng tổ hợp xử lý, tái chế rác thải thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, lợi nhuận. Mô hình doanh nghiệp Footwear fairtrade với ý tưởng về sản phẩm không tạo khí thải CO2, tạo việc làm cho người nghèo, thợ thủ công, phát huy những giá trị văn hóa vùng miền với dự định về mức thu nhập tăng cao. Đến nay, Book Ambassadors đã thực hiện công việc nhặt rác, thăm các trung tâm SOS và trường học tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; xây dựng 8 ngôi nhà sách nhỏ tại xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), xây dựng các tủ sách ở các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, và một số địa phương khác trên cả nước. Ngoài xây dựng tủ sách, nhóm còn dạy miễn phí tiếng Anh, lồng ghép các sinh hoạt như làm thơ, vẽ tranh, tái chế nghệ thuật cho các em nhỏ nhằm khuyến khích các em đến đọc sách nhiều hơn. Trên hành trình dài khởi nghiệp ấy, Bùi Thị Thủy còn xây dựng 3 thương hiệu khởi nghiệp của riêng mình. Đó là Green & Book Ambassadors, sản xuất và cung cấp những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế tại xã Thọ Nghiệp. Trong tổng số 47 sản phẩm có 30 sản phẩm nông nghiệp sạch có lợi cho sức khỏe và làm đẹp cho phụ nữ. Dự án khởi nghiệp thứ 2 là thương hiệu cà phê rang tay thủ công, đã được Thủy triển khai từ năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học, với mong muốn có thể giới thiệu cà phê Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Dự án khởi nghiệp thứ 3 sắp được ra mắt là thương hiệu giầy thủ công Lovshuz. Thủy cho biết, điểm khác biệt nhất của những đôi giầy này là sử dụng chất liệu lốp cao su tái chế, chất liệu thân thiện với môi trường, vải hữu cơ… Cả 3 thương hiệu khởi nghiệp, Thủy đều đi từ xuất phát điểm là một nhà sản xuất, nghiên cứu để làm nên sản phẩm, tự thiết kế từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối để tạo nên những nét đẹp riêng cho sản phẩm. Điều đặc biệt là những lao động được Thủy nhận vào làm tại Công ty đều là những người phụ nữ nghèo, yếu thế, phụ nữ tàn tật để giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Với những nỗ lực của bản thân, Công ty của Thủy hiện đã hoạt động ở 25 tỉnh, thành phố trong cả nước với việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các sản phẩm: Trà Sáng tạo, bột Sắn dây và Tinh bột Nghệ của Công ty được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Vừa qua, Công ty TNHH Green & Book Ambassadors đã được vinh danh trong sự kiện Vinh danh doanh nghiệp tạo tác động xã hội Việt Nam năm 2020 - iMap Choice ở hạng mục Văn hóa và Giá trị truyền thống.
Chị Trần Thị Hằng luôn quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. |
Lập nghiệp ngay tại địa phương từ nguồn vốn vay tín dụng hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Trần Thị Hằng ở xóm Xuân An, xã Hải Hòa (Hải Hậu) đã tạo dựng nên xưởng may rộng lớn nhất, nhì của xã, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động có thu nhập bình quân từ 6-9 triệu đồng/người/tháng. Vốn là hộ cận nghèo của xã, năm 2014, vợ chồng chị Hằng gửi lại 2 con cho bố mẹ để vào miền Nam xin làm công nhân may. Với sự nỗ lực của bản thân, anh chị đã nhanh chóng học nghề và vững nghề, được tín nhiệm làm phó quản đốc và tổ trưởng tổ may. Năm 2017, chị Hằng bàn với chồng trở về quê, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và quỹ TYM với số tiền gần 100 triệu đồng đầu tư vào trang thiết bị nhà xưởng, máy móc, tìm kiếm nguyên liệu và lao động may… Chị chủ động tìm đến khách hàng, trực tiếp liên hệ để nhận gia công lại hàng cho cho các công ty... Ban đầu, chị tuyển 15 lao động vào làm việc tại xưởng với mong muốn vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xóm. Dù nỗ lực, chịu khó tìm hiểu thị trường và nâng cao tay nghề cho lao động nhưng do vốn ít, thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn lao động có tay nghề nên sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ cũng như giá cả cạnh tranh so với thị trường. Trước những khó khăn của chị Hằng, Hội Phụ nữ xã đã đề xuất với Hội Phụ nữ, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh mở lớp đào tạo lại tay nghề may công nghiệp cho lao động ở ngay tại xưởng của chị Hằng. Bản thân chị Hằng cũng được các cấp Hội Phụ nữ tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, quản lý nhân công… Nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ và tính siêng năng, cần cù, trách nhiệm với công việc, xưởng may của chị Hằng dần ổn định và phát triển. Chị luôn chú trọng đào tạo công nhân, thợ kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, đa dạng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu các đơn hàng, tạo uy tín trên thị trường với số lượng tiêu thụ khoảng 120-140 nghìn sản phẩm mỗi tháng. Chị Hằng chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như chị em phụ nữ làm việc tại xưởng luôn phải nỗ lực cố gắng mỗi ngày, không chỉ bằng sự kiên trì, tâm huyết, sáng tạo và nguồn vốn đầu tư ban đầu mà còn là kiến thức thực tiễn, chuyên môn, kỹ năng và đặc biệt là sự đam mê với nghề. Tôi mong muốn luôn duy trì được các đơn hàng để không chỉ gia đình tôi mà có nhiều hơn nữa những chị em ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định”.
Việc ngày càng có nhiều phụ nữ khởi nghiệp đã như luồng gió mới khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong chị em. Mỗi người một ý tưởng, cách khởi nghiệp, phát triển kinh tế khác nhau nhưng đều có chung mục đích sẵn sàng góp công, góp sức để mỗi gia đình, quê hương ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Hồng Minh