Yên Cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:01, 11/01/2021

Xã Yên Cường có khoảng 11 nghìn dân, trong đó có trên 6.000 người trong độ tuổi lao động. Đến nay xã đã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Cơ sở ép dầu lạc Hùng Luyên, xã Yên Cường (Ý Yên) tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Cơ sở ép dầu lạc Hùng Luyên, xã Yên Cường (Ý Yên) tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Buổi hướng dẫn làm phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản của các chuyên gia Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ở nhà văn hoá xã Yên Cường thu hút đông đảo người dân tham gia. Các học viên được các chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng bằng phân hữu cơ trong canh tác, trả lại độ phì cho đất đai. Nhờ được phổ cập kiến thức, người dân đã tiếp cận phương thức canh tác mới, khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dần thay thế lối canh tác truyền thống từ việc nắm bắt kỹ thuật mới về kiểm soát lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, tình hình sâu bệnh, bảo đảm theo tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Đồng chí Nguyễn Văn Chiển, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua Đảng ủy, UBND xã đã thực hiện tốt Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, xã đều mở từ 1-3 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, mỗi lớp từ 30-35 học viên theo phương châm “cần gì học nấy, học để làm ngay, hiệu quả ngay”. UBND xã chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên mỗi năm tổ chức 5-7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 150-200 lao động; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ (Viện Khoa học Nông nghiệp), Viện Di truyền nông nghiệp… tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Riêng năm 2020, trên địa bàn xã tổ chức 15 lớp với 1.790 học viên được bồi dưỡng về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phân loại rác thải tại nguồn. Trên địa bàn xã có 2 HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp gồm: Bắc Cường và Nam Cường thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp cho bà con. HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường khuyến khích người dân tập trung ruộng đất quy mô cánh đồng lớn, thường xuyên hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản; HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường đảm trách nhiệm vụ sản xuất phân hữu cơ phục vụ sản xuất, hướng dẫn người dân triển khai cùng thực hiện. Mô hình liên kết này đã thu hút được trên 2.500 lao động địa phương, tạo ra thay đổi lớn trong tư duy và thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Yên Cường. Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Nam Cường cho biết: Để bảo đảm nguồn cung, đáp ứng đầy đủ theo đơn đặt hàng, hạn chế việc phá vỡ hay không thực hiện đúng các cam kết, góp phần tạo dựng chất lượng, uy tín và bảo vệ thương hiệu của địa phương, hàng ngày đội ngũ cán bộ kỹ thuật của HTX giám sát, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nên các loại rau, quả của địa phương sản xuất ra luôn đảm bảo sạch và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đề ra. Đối với sản xuất quy mô hộ cá thể, HTX vừa định hướng vừa hướng dẫn nông dân quy trình canh tác các loại củ, quả như: ngô, lạc, khoai tây, bí xanh, dưa chuột, hành, tỏi.

Thôn Phú Bình là một trong những đơn vị thay da, đổi thịt rõ nhất ở xã Yên Cường từ việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đem lại năng suất, sản lượng cao… mà chìa khoá chính là nâng cao trình độ, kỹ thuật trồng trọt cho người dân. Thôn vận động nhân dân thực hiện quy hoạch hơn 20ha đất nông nghiệp để sản xuất tập trung, trong đó dành gần 15 nghìn m2 cho HTX nông nghiệp Nam Cường sản xuất các loại rau sạch gồm mồng tơi, dền, cải bắp, cải thìa, cải ngọt... đảm bảo việc làm cho hơn 20 lao động của thôn làm việc với mức thu nhập ổn định hàng tháng. Một số hộ dân trong thôn như các ông Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Văn Vững, Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Thông… sau khi được bồi dưỡng về ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc các loại dưa chuột, ngô bao tử, rau các loại đã mượn đất của những hộ không làm nông nghiệp để trồng thử nghiệm. Kết quả, từ trồng rau sạch, mỗi hộ nơi đây có thu nhập trung bình 70-90 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông Nguyễn Văn Khuê (63 tuổi), thôn Phú Bình chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ nghĩ cứ “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là trồng thành công tất cả các loại cây, rau màu. Nhưng thực tế dùng phân như thế nào, chọn giống ra sao(!?) thì những nông dân như chúng tôi không phải ai cũng biết. Được sự quan tâm của các lãnh đạo, sau khi được bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp từ các chuyên gia và sự hướng dẫn của cán bộ HTX, những mảnh ruộng mà tôi canh tác có môi trường sạch, cây trồng khỏe bảo đảm sinh trưởng tốt, hầu như không có sâu bệnh và không phải sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật”. Với chìa khoá phát triển kinh tế bền vững từ phổ cập kiến thức cho người dân, đến nay thu nhập bình quân đầu người trong thôn Phú Bình đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Số hộ khá giả ngày càng tăng, nhiều gia đình có cuộc sống ấm no, chăm lo con cái học hành… Toàn thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn 7 hộ cận nghèo.

Bên cạnh việc phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Yên Cường mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất đẩy mạnh truyền nghề người lao động. Nhiều lao động làm nghề mộc có tay nghề cao trực tiếp truyền nghề cho học viên, đến nay nghề mộc đã có hàng trăm lao động tham gia sản xuất; trên 30 tổ hợp cơ khí, cơ sở chế biến nông sản, may mặc vừa nhận đào tạo đồng thời tạo điều kiện nhận học viên sau khi đủ điều kiện kỹ thuật làm việc. Xã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Với sự tập trung chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn, xã Yên Cường đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở xã giảm còn dưới 1%./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



Tổng hợp tin đăng tìm việc 24h mới nhất DU HỌC VÀ XKLĐ THÀNH ĐÔ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com