Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh (Sở LĐ-TB và XH) được thành lập theo Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 27-5-2019 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Phong và Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh. Trung tâm có chức năng tổ chức, tiếp nhận, quản lý chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng người có công với cách mạng; tổ chức nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật, không có khả năng tự sinh hoạt.
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh cơ sở 1 xã Hải Xuân (Hải Hậu) có đầy đủ trang thiết bị luyện tập thể dục phục hồi sức khỏe. |
Đồng chí Đỗ Hòa Trung, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh cho biết: Được hợp nhất từ Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh và Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Phong nên hiện nay, cơ sở vật chất của Trung tâm khá đầy đủ. Cụ thể ở cơ sở 1, xã Hải Xuân (Hải Hậu) có tổng diện tích 27.636m2, trong đó trên 3.140m2 diện tích xây dựng các khu nhà: hành chính, công vụ, 17 phòng điều dưỡng với 35 giường, nhà ăn, hội trường, nhà đa năng… xen kẽ là khuôn viên nhiều cây xanh, nằm trên địa bàn cách bờ biển khoảng 1km nên không khí ở trung tâm luôn trong lành, thoáng mát phù hợp với công tác điều dưỡng sức khoẻ. Cơ sở 2 nằm trên địa bàn xã Nam Phong (thành phố Nam Định) có tổng diện tích 49 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là gần 5.500m2. Các công trình ở cơ sở 2 hiện đang tiếp tục được sửa chữa, nâng cấp, dự kiến sớm đi vào hoạt động cùng cơ sở 1. Sau khi sáp nhập, tổng số cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng là 58 người, trong đó có 1 cán bộ trình độ thạc sĩ, 24 người trình độ đại học, còn lại là trình độ cao đẳng và trung cấp. Ban giám đốc Trung tâm đã thực hiện việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng theo các phòng chuyên môn hợp lý, đảm bảo tất cả các nhiệm vụ đều có cán bộ phụ trách hoặc kiêm nhiệm, phù hợp với năng lực, sở trường công tác của cán bộ. Công tác tiếp nhận các đợt điều dưỡng luôn đảm bảo đúng quy trình, quy định. Trong năm 2020, Trung tâm phối hợp với Phòng Người có công và các Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố tổ chức điều dưỡng tập trung đảm bảo an toàn cho 10 đoàn người có công với 401 đối tượng; tổ chức đưa đón đảm bảo an toàn cho 8 đợt người có công với 855 đối tượng đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc sức khoẻ Bưu điện Đồ Sơn (Hải Phòng). Để nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng tập trung, Trung tâm quán triệt đội ngũ cán bộ, nhân viên có trách nhiệm phục vụ tận tình, chu đáo, chăm lo cho từng đối tượng điều dưỡng. Bếp ăn được kiểm tra giám sát thường xuyên, chất lượng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ y tế nhiệt tình, thăm khám và tận tình tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần; hỗ trợ luyện tập và phục hồi chức năng cho các đối tượng điều dưỡng. Trong thời gian điều dưỡng gần 1 tuần tại Trung tâm, người có công được khám bệnh, lập hồ sơ bệnh án và tư vấn sức khỏe; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghe nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế; đi tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh như: Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần; Khu du lịch Thịnh Long (Hải Hậu), Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Tam Chúc (Hà Nam)… Được đón tiếp, phục vụ tận tình chu đáo, các đối tượng người có công đều cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Ông Hà Đăng Điềm, Trưởng đoàn đại biểu người có công huyện Mỹ Lộc điều dưỡng tại Trung tâm xúc động cho biết: “Đoàn đại biểu người có công huyện Mỹ Lộc đến điều dưỡng tại Trung tâm gồm 55 người. Trong 6 ngày tại Trung tâm, các cán bộ, điều dưỡng đã chu đáo chăm sóc từng giấc ngủ, bữa ăn, trò chuyện cùng chúng tôi. Bởi vậy, tất cả thành viên trong đoàn đều cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước”. Đồng quan điểm, ông Đặng Thanh Lập, Trưởng đoàn người có công huyện Nam Trực điều dưỡng ở Trung tâm cho biết: “Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh hội tụ các yếu tố: Vị trí rộng, không khí trong lành, cán bộ, nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo, thái độ thân mật…”. Còn Ông Vũ Viết Lịch, Trưởng đoàn người có công Trực Ninh đến điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh cơ sở 1 xã Hải Xuân chia sẻ cảm xúc qua những vần thơ: “… Toàn đoàn của huyện Trực Ninh/ Bốn mươi hai cựu chiến binh một thời/ Chia tay xin gửi đôi lời/ Cám ơn kính chúc mọi người khoẻ thêm/ Trở về nhà nhớ không quên/ Trung tâm điều dưỡng bình yên, nghĩa tình”.
Hoạt động của Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm tấm lòng tri ân đối với các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, thực hiện tốt công tác chuyên môn được giao; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động điều dưỡng; xây dựng kế hoạch, tạo điều kiện để cán bộ, viên chức tiếp tục tham gia đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… tiếp tục xây dựng Trung tâm là địa chỉ tin cậy về điều dưỡng người có công, góp phần cùng với các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”./.
Bài và ảnh: Viết Dư