Nhằm phát huy vai trò, tiềm năng, trí tuệ của nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp Công đoàn trong tỉnh thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVCLĐ, đồng thời tích cực tham gia cùng các cơ quan Nhà nước góp ý vào các văn bản pháp luật, các chính sách có liên quan đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Công đoàn cũng phối hợp với lãnh đạo chuyên môn của cơ quan, đơn vị, khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được học tập, bồi dưỡng kiến thức về chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Qua đó, có nhiều đoàn viên nữ được tin tưởng bố trí vào các vị trí quản lý, lãnh đạo các cấp trong tỉnh.
Nữ công nhân lao động tham gia sản xuất, kinh doanh tại Công ty TNHH Viet Power (Hải Hậu). |
Năm 2020, LĐLĐ tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn cho 1.729 lao động nữ thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, Luật Công đoàn và những vấn đề liên quan đến người lao động như tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Qua đó, CNVCLĐ hiểu biết những quy định về chế độ, chính sách mà người lao động được hưởng, từ đó thực hiện đúng pháp luật, tự bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ. Toàn tỉnh hiện có 3.247 nữ CNVCLĐ tham gia ủy viên BCH công đoàn cơ sở; 105 CNVCLĐ nữ tham gia ủy viên BCH LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành; 13/34 cán bộ nữ là Chủ tịch, Phó chủ tịch LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành, đạt 38,3%. Việc học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của Công đoàn và công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về giới, gia đình, xã hội, phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh. Nhiều công đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt định kỳ, tuyên truyền về bình đẳng giới, dân số, sức khỏe sinh sản; giao lưu gặp mặt cán bộ nữ công, gia đình CNVCLĐ, trao đổi kỹ năng truyền thông nuôi con bằng sữa mẹ, phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ... Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ CNVCLĐ được quan tâm. Các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Năm 2020, các cấp Công đoàn đã phối hợp kiểm tra, giám sát chế độ chính sách lao động nữ tại 40 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, qua đó đã chỉ đạo công đoàn cơ sở đưa vào thỏa ước lao động tập thể nhiều quy định có lợi cho lao động nữ so với Bộ luật Lao động. LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác dân số, sức khỏe sinh sản cho 200 lao động nữ tại một doanh nghiệp thuộc huyện Nam Trực; triển khai 2 mô hình chăm sóc sức khỏe, phối hợp với Viện Y học Phòng không không quân tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho 400 nữ công nhân lao động tại 2 doanh nghiệp thuộc các huyện Hải Hậu, Trực Ninh. Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” mang đặc thù giới xuyên suốt quá trình hoạt động nữ công của các cấp Công đoàn. Căn cứ các văn bản của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp Công đoàn đã hướng dẫn triển khai phong trào sát với tình hình thực tế của địa phương. Tiêu biểu như ngành GD và ĐT với phong trào “Hai tốt”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”; Ngành Y tế với phong trào thi đua thực hiện 12 điều y đức theo chuẩn mực “lương y như từ mẫu”… Việc triển khai sâu rộng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác nữ công và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-BCH, toàn tỉnh có 53.076.080 lượt nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp cơ sở, chiếm tỷ lệ trên 80%; 23.884.600 lượt nữ CNVCLĐ cấp huyện đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chiếm tỷ lệ gần 50%; có 1.942 lượt cá nhân nữ CNVCLĐ xuất sắc đạt danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp tỉnh; 2 chị được tuyên dương “Cán bộ nữ công tiêu biểu” toàn quốc.
Thực tế cho thấy nữ CNVCLĐ đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan đơn vị, địa phương. Trong sản xuất, kinh doanh, chị em luôn thể hiện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật; tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề để thích ứng với cơ chế thị trường và công nghệ sản xuất mới; phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh đối với mặt hàng xuất khẩu. Trên lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nữ cán bộ khoa học kỹ thuật trong tỉnh đóng góp nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị công trình lâu dài, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Nữ CNVC ở các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng có nhiều đề tài mang lại lợi ích thiết thực trong cải cách, quản lý hành chính, lưu trữ, trong quản lý, điều hành… Đến nay, toàn tỉnh có 5.500 đề tài và sáng kiến nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ do các chị làm chủ, trong đó có hơn 30 đề tài, 1.450 sáng kiến được áp dụng thực tế sản xuất và đời sống./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh