Mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường” được Sở GD và ĐT triển khai thực hiện từ năm 2019. Qua 1 năm triển khai mô hình, đã tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, huy động sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, nhất là cán bộ, giáo viên, học sinh xây dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh, làm giảm tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Học sinh Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) tìm hiểu về an toàn giao thông. |
Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường phổ thông thực hiện 5 nội dung của tiêu chí “Trường học văn minh” và 3 nội dung của tiêu chí “Học sinh thân thiện” gắn với các chương trình, kế hoạch của ngành về đẩy mạnh nếp sống văn minh, xây dựng cơ quan đoàn kết, thống nhất. Mục tiêu hướng tới trong xây dựng mô hình là xây dựng môi trường làm việc, môi trường tổ chức các hoạt động giáo dục thân thiện, văn minh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử; đổi mới phong cách làm việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác GD và ĐT. Năm học 2019 -2020, toàn tỉnh đã triển khai “điểm” mô hình tại 1 trường tiểu học, 7 trường THCS, 6 trường THPT. Đến nay, mô hình đã được các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh, học sinh thực hiện với các nội dung, hình thức, biện pháp triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm từng cấp học, bậc học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Các nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở; phòng chống hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch; bảo vệ chính trị nội bộ, giữ gìn đoàn kết trong nhà trường; tránh xa các loại hình bạo lực học đường, các loại ma tuý, tai, tệ nạn xã hội; chấp hành trật tự an toàn giao thông… Đồng thời các nhà trường cũng xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình đã phát động như: “Tuyến đường an toàn giao thông”, “Phòng chống bạo lực học đường trên không gian mạng”, “Cổng trường an toàn”, “5 quản”, góp phần bổ trợ, nâng cao chất lượng mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma tuý và bạo lực học đường”… Bên cạnh đó, các trường học đã phối hợp với lực lượng công an các cấp tổ chức trên 120 buổi nói chuyện chuyên đề, thông báo tình hình ANTT, truyền tải những quy định mới của pháp luật, nội dung mô hình, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên, học viên, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Các trường tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thành lập các đội tự quản của học sinh; xây dựng nội quy, quy chế, phát huy đội sao đỏ, cờ đỏ, tổ trật tự tuyên truyền, hướng dẫn, phân luồng giao thông…, đưa tiêu chí thực hiện mô hình vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua hàng năm. Công tác giáo dục phòng, chống ma túy được các trường học thực hiện nghiêm túc. Trong đó công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú theo phương châm “Lấy xây để chống”, “Lấy phòng ngừa là cơ bản”; đồng thời tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh ký cam kết không liên quan đến ma túy và giao ước thi đua thực hiện tốt chương trình phòng, chống ma túy ngay từ đầu năm học mới. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT đã phát động nhiều cuộc thi tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến ANTT phù hợp với các cấp học như: Thi viết về “Tìm hiểu Luật An ninh mạng”, “Tìm hiểu 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…, góp phần lan tỏa phong trào, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, bền vững trong cán bộ, giáo viên, học sinh các nhà trường.
Ngành GD và ĐT tỉnh phấn đấu năm học 2021-2022 có 100% các trường, cơ sở giáo dục khác triển khai thực hiện mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường”. Để mô hình thực sự có chiều sâu, hiệu quả, cần có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia tích cực của phụ huynh. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể, các bên liên quan trong việc quản lý, giáo dục con em, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bạo lực học đường./.
Bài và ảnh: Hồng Minh