Xã Hải Đường (Hải Hậu) được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt xã đã triển khai hiệu quả mô hình liên kết giữa người học - người đào tạo - doanh nghiệp - nhà quản lý. Qua đó từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại.
Cơ sở may Hồng Sang, xóm 22, xã Hải Đường thực hiện tốt công tác đào tạo, tạo việc làm cho lao động ở địa phương. |
Xã có khoảng 13 nghìn dân, trong đó có trên 6.500 người trong độ tuổi lao động. Trước khi xây dựng nông thôn mới, kinh tế Hải Đường thuần nông nên người nông dân quanh năm chỉ lo hai vụ lúa và cây cau và một số ly hương đi làm ăn xa. Bởi vậy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết việc làm là một trong những yếu tố đảm bảo cho địa phương phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, xã tổ chức đánh giá thực trạng các nghề phù hợp ở địa phương; khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, cây cảnh, cây ăn quả; các ngành nghề: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ… Hàng năm UBND xã tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Hậu, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 100 lao động; một số doanh nghiệp “đặt hàng” các học viên sau khi tốt nghiệp nếu đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật sẽ được tuyển dụng làm việc. Xác định hiệu quả của việc liên kết đào tạo nghề, xã Hải Đường phối hợp chặt chẽ với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hải Hậu trong đào tạo, tìm “đầu ra” cho người lao động khi hoàn thành khoá học nghề ngắn hạn. Sau khi tiếp nhận học viên, Trung tâm liên kết với doanh nghiệp tiếp nhận học viên thực hành để gắn học lý thuyết với rèn luyện tay nghề, lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường. Nhiều lao động sau khi học xong lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã có thu nhập ổn định, thay đổi cuộc sống. Tiêu biểu như trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng được xã tạo điều kiện tham gia lớp học nghề may công nghiệp ngắn hạn tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Vừa hoàn thành khóa học, chị Hồng được giới thiệu và được nhận vào làm công nhân tại Công ty cổ phần May Haproximex Giao Thủy với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng. Mặc dù bản thân còn trong độ tuổi lao động sung sức, nhưng do không có định hướng nghề nghiệp và tay nghề kỹ thuật nên trước khi đến với nghề may chị chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, thu nhập cả năm chỉ được hơn chục triệu đồng. Cùng với chị Hồng, nhiều học viên sau khoá học nghề ngắn hạn đã có việc làm ngay tại các công ty hoặc tự đầu tư máy móc, mở xưởng may gia công, thêu ren. Đến nay, xã Hải Đường có khoảng 10 xưởng may gia công, thêu ren, thu hút gần 150 lao động, tạo thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.Với nghề nông nghiệp, nhiều người sau khi hoàn thành khoá học đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như ông Phạm Văn Bình, xóm 15 với mô hình trồng cam canh, diện tích 1.500m2 tạo việc làm cho 4-5 lao động.Ông Bình cho biết: “Bao năm gắn bó với ruộng vườn song nhiều kỹ thuật tưởng như đơn giản họ lại chưa từng làm. Qua lớp dạy nghề được trang bị kiến thức chuyên môn, sau khóa học, nông dân có thể chủ động áp dụng các kiến thức cho ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn, có giá trị kinh tế cao hơn”.
Cơ sở đan ghế nhựa xuất khẩu của chị Nguyễn Thị Huê, xóm 5, xã Hải Đường vừa đào tạo học viên, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động. |
Phát huy thế mạnh địa phương có làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Tam Tùng đông (xóm 22), làng nghề cây cảnh Tam Tùng nam (xóm 21) và các nghề như chế biến cau, may công nghiệp, đan nhựa…, xã đã khuyến khích các cơ sở sản xuất uy tín ở các làng nghề tổ chức các lớp truyền nghề, tạo việc làm cho người dân ở địa phương. Anh Bùi Văn Vụ, 38 tuổi, chủ xưởng chế tác tượng, tranh gỗ mỹ nghệ ở xóm 22 cho biết: Được Hội Phụ nữ xã bảo lãnh, vợ chồng anh đã vay 50 triệu đồng theo chương trình vốn ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm. Nhờ đó, anh Vụ có thể đầu tư mua 3 máy đục 3D tự động CNC, 1 lò sấy gỗ hơi nước, rồi máy phay, máy bào, máy tiện… đáp ứng yêu cầu sản xuất. Kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn với doanh thu từ 700-800 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh Vụ trực tiếp dạy nghề cho những người có nhu cầu, người có nguyện vọng vào làm tại xưởng có thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng. Anh Đỗ Đạt, là đối tượng từng thuộc diện hộ nghèo được anh Vụ nhận làm ở xưởng cho biết: “Xưởng của anh Vụ nhận dạy nghề và tạo việc làm giúp lao động nông thôn chúng tôi có việc làm ngay ở quê nhà, không phải đi xa mà vẫn có thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng tôi được trả lương 7,5 triệu đồng nên có điều kiện chăm lo cho gia đình đầy đủ hơn”.
Nhờ có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản nên cơ sở đan ghế nhựa xuất khẩu của chị Nguyễn Thị Huê, xóm 5, xã Hải Đường luôn ổn định sản xuất. Với tâm niệm giúp bà con địa phương có việc làm, từ năm 2006 chị đã đưa nghề may về địa phương. Sau khi đào tạo đội ngũ lao động, chị mở xưởng tạo việc làm ổn định cho hàng chục người. Năm 2019, được cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện, chị Huê tiếp tục phát triển nghề đan ghế nhựa xuất khẩu tạo việc làm cho hàng trăm lao động là phụ nữ và người cao tuổi với thu nhập ổn định 70-100 nghìn đồng/ngày. Bà Nguyễn Thị Viễn (71 tuổi), xóm 5, một trong những lao động làm nghề đan ghế nhựa chia sẻ: “Tuy đã cao tuổi nhưng tôi vẫn còn sức khoẻ, nếu như trước đây tôi chỉ trông chờ từ thu nhập trồng rau, cấy lúa thì đến nay lúc nông nhàn làm nghề đan ghế nhựa đã giúp tôi có thu nhập đủ ổn định cuộc sống”. Còn chị Nguyễn Thị Huế, xóm 5 đang trong độ tuổi lao động nhưng trước đây chỉ ở nhà trông con và không có thu nhập ổn định. Sau khi vào làm việc tại xưởng của chị Huê, đến nay đời sống gia đình được cải thiện.
Từ thực hiện công tác liên kết đào tạo nghề, xã Hải Đường đã tạo nguồn nhân lực ổn định, chất lượng, góp phần duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn xã. Đến nay, lao động có việc làm thường xuyên của xã Hải Đường đạt tỷ lệ 96%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 64 triệu đồng/người/năm, nhiều mô hình kinh tế phát triển bền vững, qua đó tạo động lực để xã Hải Đường sớm về đích và hoàn thành mục tiêu đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Viết Dư