Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, chủ động ứng phó và phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Báo Nam Định có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Thị Minh Thu, TUV, Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.
Đồng chí Bùi Thị Minh Thu, TUV, Giám đốc Sở Y tế. |
Phóng viên: Trước diễn biến mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và của UBND tỉnh, Sở Y tế đã triển khai các biện pháp chủ động ứng phó và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Đồng chí Bùi Thị Minh Thu: Đại dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn diễn biến phức tạp và khó khăn trên toàn thế giới. Việt Nam đã bước vào giai đoạn chống dịch mới, 2 tuần tới là giai đoạn rất quan trọng để chúng ta có thể ngăn chặn dịch bệnh này. Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc. Ngày 1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc. Tại Việt Nam, số người mắc đang tăng từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Các trường hợp lây nhiễm không chỉ xuất phát từ những người nhập cảnh về Việt Nam như trước đây, mà còn lây nhiễm thứ phát trong cơ sở y tế, trong cộng đồng qua sinh hoạt tôn giáo, lễ hội, quán bar, quán cà phê, hội thảo, hội nghị,... Đặc biệt, hiện nay, có 2 “ổ dịch” lớn là quán bar Buda (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Bạch Mai (thành phố Hà Nội) nên biện pháp tốt nhất vẫn là phát hiện sớm, cách ly những người nghi nhiễm, thực hiện khoanh vùng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch.
Đối với tỉnh ta, nguồn lây từ Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ cao nhất do có nhiều người dân trong tỉnh đã đến khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, thăm thân, học tập và có tiếp xúc với nhân viên khu nhà ăn của bệnh viện hiện trở về cư trú tại địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND tỉnh; là cơ quan tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Sở Y tế thường xuyên cập nhật diễn biến dịch bệnh, tham mưu UBND tỉnh xây dựng, rà soát, ban hành kế hoạch, chỉ đạo kịp thời cũng như phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp cấp bách đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Với quan điểm: “Chống dịch như chống giặc” và với chiến lược: “Ngăn ngừa, phát hiện, cách ly, dập dịch; thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông, thường xuyên cập nhật tình hình, các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh và thực hiện khai báo y tế trên app NCOVI; huy động toàn dân tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh, cách ly y tế. Phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố rà soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, đến từ hoặc đi qua vùng dịch, hoặc tiếp xúc với trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm SARS - CoV-2 để điều tra, xác minh, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm, tổ chức cách ly y tế theo quy định. Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức hoạt động cơ sở cách ly tập trung của tỉnh để triển khai cách ly y tế, theo dõi sức khỏe đối với những trường hợp thuộc diện cách ly y tế tập trung do UBND tỉnh quyết định và do Quân khu 3 bàn giao.
Cùng với phối hợp các ngành chức năng, các địa phương, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai đồng bộ các biện pháp chủ động ứng phó phòng, chống dịch. Trong đó đã xây dựng kịch bản cụ thể đáp ứng từng cấp độ dịch bệnh theo Kế hoạch của UBND tỉnh; thành lập 6 đội cơ động phản ứng nhanh và 22 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các bệnh viện và trung tâm Y tế, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên cập nhật thông tin từ Bộ Y tế và tổ chức tập huấn công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị dịch bệnh COVID-19; hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho đội ngũ cán bộ y tế trong toàn ngành. Yêu cầu toàn thể cán bộ công chức viên chức y tế tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm với hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan, đơn vị và cộng đồng. Phát động phong trào thi đua với chủ đề “Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, trong đó huy động toàn bộ lực lượng y tế Nhà nước, tư nhân, lực lượng quân dân y, các trường đào tạo sức khỏe, lực lượng cán bộ y tế đã nghỉ hưu chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm chống dịch như chống giặc với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện: tổ chức thực hiện sàng lọc, phân loại bệnh nhân ngay từ khâu tiếp đón ban đầu; bố trí buồng khám riêng, phân luồng đường đi riêng cho những người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19; khu vực cách ly, điều trị người nhiễm/nghi nghiễm COVID-19; yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Phân công các đơn vị khám, chữa bệnh tiếp nhận, thu dung các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh, lập danh sách và đăng ký số điện thoại, đăng tải công khai để thuận tiện cho người dân liên hệ trước khi đến khám cũng như thuận tiện cho các đơn vị liên hệ trước khi chuyển tuyến. Nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và kiểm soát nhiễm khuẩn để ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Các đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng hộ, sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, điều trị khi có ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và khi dịch bệnh lan rộng trên địa bàn.
Đặc biệt, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Y tế đã được đầu tư Hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử Real-time PCR, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả trong thời gian 4 giờ, đưa vào vận hành từ ngày 6-4-2020. Đây là điều kiện thuận lợi để khẩn trương xét nghiệm sàng lọc cho các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thời gian tới, ngành Y tế thường xuyên cập nhật diễn biến dịch bệnh để chủ động tham mưu UBND tỉnh và có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác truyền thông cung cấp thông tin cho nhân dân, tạo sự đồng thuận cao nhất để cùng thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CIVID-19, trong đó chú trọng công tác giám sát, phát hiện và thực hiện cách ly y tế, điều trị (nếu có) theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, phương tiện phòng hộ… phục vụ tốt công tác giám sát, cách ly, điều trị, xử lý môi trường, sẵn sàng đáp ứng khi có trường hợp mắc bệnh COVID-19 và khi dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại Trường THCS Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định). |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, để phòng bệnh COVID-19, người dân, nhất là người già, người có bệnh nền cần phải làm gì?
Đồng chí Bùi Thị Minh Thu: Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-COV-2, người dân cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND về cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn xóm cách ly với thôn xóm, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Mọi người hãy ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại các cơ quan, đơn vị và các trường hợp khẩn cấp khác. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách trên 2m khi giao tiếp, đeo khẩu trang; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa; lau rửa thường xuyên các bề mặt, các điểm hay tiếp xúc; sinh hoạt lành mạnh. Khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến trên tokhaiyte.vn. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng. Thực hiện việc cách ly y tế theo hướng dẫn của ngành Y tế. Thông cảm, chia sẻ, không kỳ thị đối với những người đang thực hiện cách ly.
Đối với người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường,… là các đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 và khó bình phục hơn, ngoài việc thực hiện các biện pháp trên cần tránh xa các nguồn lây nhiễm, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc, rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Thường xuyên uống nước ngay cả khi không khát. Khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền không ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác; khi có vấn đề sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã/phường; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở để khám, chữa bệnh (hết thuốc, điều chỉnh liều điều trị,…); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra khỏi nhà, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Bài và ảnh: Minh Tân