Tăng cường kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em

08:03, 13/03/2020

Thời gian qua, các trường học trong tỉnh đã tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể và phụ huynh học sinh đẩy mạnh việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) hoạt động ngoại khóa với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) hoạt động ngoại khóa với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Trong buổi sinh hoạt ngoại khóa “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” của Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định), hơn 1.700 học sinh nhà trường đã được nghe chuyên gia giáo dục sớm Nguyễn Thị Bích Hạnh phổ biến những kỹ năng cơ bản để phòng chống xâm hại, bảo vệ bản thân, phát hiện người xấu để các em tránh và phòng ngừa nếu không may gặp phải. Tại buổi nói chuyện, các em học sinh đã có những hiểu biết cơ bản về giới tính và cách phòng vệ tránh bị xâm hại, từ đó giúp các em tự tin hơn và có những ứng xử khéo léo, hợp lý khi bắt gặp những kẻ xấu trong cuộc sống hàng ngày. Hoạt động ngoại khóa trên được nhà trường kết hợp với Hội Phụ nữ phường Thống Nhất tổ chức không chỉ nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề giới tính mà qua đó còn tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường học đường lành mạnh.

Trong năm 2019, Trường Tiểu học và Trường THCS Xuân Phương (Xuân Trường) đã kết hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”. Với cách truyền đạt lôi cuốn, hấp dẫn, cách lồng ghép các câu chuyện khéo léo từ chuyên gia, các em học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo đã hiểu rõ hơn về thực trạng xâm hại trẻ em hiện nay. Các em học sinh được trang bị những kỹ năng để tự bảo vệ bản thân và biết cách ứng phó, giải quyết. Việc tạo tâm lý thoải mái, cởi mở trong buổi ngoại khóa đã giúp học sinh dễ dàng chia sẻ suy nghĩ, tâm tư và thẳng thắn phát biểu ý kiến của bản thân về vấn đề xâm hại trẻ em. Em Nguyễn Thị Hiền, học sinh Trường THCS Xuân Phương cho biết: “Qua buổi tuyên truyền em có thêm kiến thức pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ mình khi có nguy cơ bị xâm hại. Em mong rằng, mỗi bạn học sinh sẽ tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, từ đó chủ động bảo vệ mình trước những nguy cơ xấu có thể xảy ra”.

Ở các trường THPT trong tỉnh cũng tích cực tổ chức các hoạt động phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, chống xâm hại tình dục ở Trường THPT Thiên Trường (Giao Thủy) có gần 900 học sinh và giáo viên tham gia. Các em học sinh được cán bộ Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện truyền đạt những kiến thức về sức khỏe sinh sản, tuổi dậy thì và các kỹ năng cần thiết để các em bước vào giai đoạn của tuổi trưởng thành. Với việc lồng ghép những kiến thức thực tế về sức khỏe sinh sản, thông qua các câu hỏi, các trò chơi hấp dẫn đã thu hút sự theo dõi và tham gia của các em học sinh, giúp các em có thêm kiến thức tự chăm sóc và bảo vệ mình, có kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý, những kỹ năng cần thiết về chăm sóc sức khỏe của vị thành niên, cách để phòng tránh bị xâm hại, lạm dụng tình dục, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tránh mang thai ngoài ý muốn. Đây cũng là hành trang hết sức cần thiết giúp các em học sinh tự tin hơn khi bước vào đời. 

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhà trường thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; xây dựng các mô hình tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học; thiết lập cơ chế trong trường học để học sinh báo cáo khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi xâm hại trẻ em, từ đó chủ động phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, kịp thời điều tra, xử lý. Các nhà trường cũng tích cực xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh các phong trào xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; kịp thời phát hiện trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các nhà trường còn gặp một số khó khăn như: Một số nhà trường chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, chưa có tường rào che chắn khiến kẻ gian dễ dàng đột nhập, có thể gây hại cho học sinh; nhiều phụ huynh chưa quan tâm, hướng dẫn con em mình các kỹ năng nhận biết và phòng tránh các nguy cơ bị bạo hành, xâm hại... Vì vậy, việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cao thời gian tới rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để trẻ được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com