Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng, thời gian qua trên địa bàn tỉnh nhiều cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ… mọc lên “như nấm sau mưa”. Tuy nhiên, bên cạnh số ít cơ sở hoạt động đúng quy định thì còn nhiều cơ sở chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, quảng cáo trá hình, triển khai nhiều dịch vụ vượt quá khả năng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng.
Nhân viên Spa BEU, đường Hàng Cấp (thành phố Nam Định) chăm sóc da mặt cho khách hàng. |
Sau khi sinh con, trên vùng mắt của chị Trần Thị Vân ở đường Trường Chinh (thành phố Nam Định) nổi lên rất nhiều mụn nhỏ, làm chị rất tự ti với “nhan sắc” của mình. Dù dùng nhiều biện pháp dân gian nhưng mụn không nhỏ đi mà càng ngày càng lớn lên. Sau nhiều ngày tìm hiểu, được bạn dẫn đến cơ sở thẩm mỹ TT ở đường Minh Khai (thành phố Nam Định). Tại đây, chị được nhân viên giải thích nguyên nhân lên mụn trên là do quá trình sinh nở của người phụ nữ khiến nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch yếu dẫn tới các mụn này nổi lên. Chị được cơ sở dùng tia laser bắn, tẩy các mụn, cho thuốc bôi, đồng thời khuyên dùng thêm các loại vitamin bổ sung tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Với chi phí 1,5 triệu đồng, chỉ sau một tuần chữa trị, bôi thuốc, các mụn đã bong ra, sau gần một tháng thì mụn bay hết, vùng da có mụn trở lại bình thường, da mặt chị đã căng trẻ, mịn màng trở lại như hồi con gái. Còn anh Vũ Xuân Minh ở đường Mạc Thị Bưởi (thành phố Nam Định) khốn khổ với căn bệnh trứng cá từ ngày dậy thì cho đến nay khi đã hơn 30 tuổi. Vì nghĩ bệnh trứng cá liên quan đến “nóng gan” nên anh đã tìm đến các thuốc bổ gan. Tuy nhiên, dù đã uống qua hàng chục loại thuốc tây y, hàng trăm thang thuốc Nam từ các lang y khác mọi miền Tổ quốc nhưng vẫn không có hiệu quả. Những mụn trứng cá bọc, sưng tấy vẫn mọc lên, không chỉ gây đau đớn cho anh mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến anh ngại gặp mọi người, nhất là đi tìm hiểu bạn khác giới để xây dựng gia đình. Sau khi được người nhà động viên đến Phòng khám da liễu thẩm mỹ TT ở đường Giải Phóng (thành phố Nam Định), anh được các bác sĩ có chuyên môn nơi đây thăm khám tình trạng tổn thương của da, cơ địa, sức khỏe… và xây dựng phác đồ hỗ trợ điều trị. Sau đó, dưới sự giám sát của các bác sĩ, anh được điều dưỡng viên làm sạch bề mặt da, sử dụng máy lấy nhân mụn giúp loại bỏ nhân mụn theo chuẩn y khoa, dùng máy điện di thuốc để chống tình trạng viêm sưng sau khi lấy nhân mụn, cho thuốc về nhà bôi và hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa. Sau hơn một tháng kiên trì thực hiện các biện pháp điều trị, anh Minh đã thoát khỏi căn bệnh trứng cá, tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người xung quanh.
Đáp ứng nhu cầu của xã hội, hiện nay có hàng trăm dịch vụ làm đẹp được giới thiệu đến khách hàng, như trị nám, mụn, tàn nhang, phun xăm, giảm béo… Chỉ riêng mát xa đã có hàng chục loại khác nhau như mát xa chân, mát xa toàn thân, mát xa bằng đá nóng bazan (đá núi lửa)… Trong số đó có nhiều cơ sở làm đẹp hoạt động khá hiệu quả, thu hút đông khách hàng. Cơ sở Beu spa ở đường Hàng Cấp (thành phố Nam Định) mới mở được 2 năm nay nhưng lượng khách khá đông, nhất là vào buổi trưa hàng ngày. Để mở cơ sở trên, chị Đinh Thị Dinh, chủ cơ sở đã phải lên Công ty chủ quản trên Hà Nội học các dịch vụ mát xa về trực tiếp làm và truyền lại cho nhân viên. Nơi đây có đa dạng các hoạt động mát xa như cổ, vai, gáy cho những người máu lưu thông não kém, mất ngủ; xông hơi, mát xa chân bằng thảo dược; chăm sóc da, chăm sóc toàn thân… với giá cả phải chăng. Chị Phạm Thanh Thủy, nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thành Nam cho biết: “Do áp lực công việc nhiều, thường xuyên phải ngồi trước màn hình máy tính nên tôi bị bệnh rối loạn tiền đình, thường xuyên xảy ra hiện tượng chóng mặt. Từ ngày biết đến cơ sở có dịch vụ mát xa cổ, vai, gáy tôi đến đây thường xuyên, đến nay bệnh tình giảm hẳn. Tôi rất thích đến đây bởi cơ sở không quá ồn ào, không gian yên tĩnh, nhân viên phục vụ tận tình”. Tuy nhiên, bên cạnh số ít các cơ sở dịch vụ làm đẹp tuân thủ các quy định của pháp luật về y tế, kinh doanh vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động “bát nháo”. Theo quy định của ngành Y tế, các dịch vụ như: nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ bụng có thực hiện gây mê chỉ được phép làm tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật, bác sĩ chuyên khoa; còn thẩm mỹ viện chỉ được thực hiện các dịch vụ làm đẹp không xâm lấn, bao gồm: phun, xăm thẩm mỹ, chăm sóc da, xoa bóp, mát-xa..., không được làm dịch vụ hút mỡ bụng. Theo khảo sát, nhiều cơ sở không được cấp phép vẫn cố tình hoạt động chui, thông qua quảng cáo truyền miệng, qua mạng xã hội đã giới thiệu với khách hàng để thực hiện lậu những thủ thuật, phẫu thuật, tiêm, bơm, chích, can thiệp xâm lấn để kiếm lời cao. Ở thành phố Nam Định, có cơ sở đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng dịch vụ chăm sóc da và phun thêu thẩm mỹ nhưng nhân viên lại tư vấn khách hàng thêm một số dịch vụ như bóc mỡ mí mắt, tiêm máu tự thân chống nhăn vùng quanh mắt, tiêm chống thâm mắt… với mức giá không hề rẻ. Điều đáng nói, nhân viên thực hiện các kỹ thuật này đều không có bằng cấp, chỉ đi học “mót” của nhau dễ dấn tới tai biến y khoa ảnh hướng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng khách hàng. Theo quy định tại điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 về “Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, người hành nghề phun xăm thẩm mỹ phải được tập huấn và có giấy chứng nhận phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, sinh học, nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân và khách hàng. Cơ sở làm đẹp được phép phun xăm phải đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo hợp pháp, đồng thời phải có giấy phép hoạt động kinh doanh. Qua thực tế, các nhân sự tham gia hoạt động trong lĩnh vực này rất ít có chứng chỉ đào tạo hợp pháp, nhất là chứng nhận phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-TTg ngày 12-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế”, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế ít cơ sở có văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động gửi về Sở Y tế theo quy định.
Thực tế cho thấy, những biến cố liên quan đến sức khỏe của khách hàng khi thực hiện dịch vụ làm đẹp thường xảy ra ở những cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép hành nghề y. Vì vậy, để hạn chế những hậu quả do hoạt động chăm sóc sức khỏe không đúng quy định gây ra, ngành y tế cùng chính quyền các địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa trong việc nắm, rà soát và siết chặt quản lý các cơ sở chăm sóc sắc đẹp tư nhân đang hoạt động trên địa bàn. Trong quá trình hoạt động cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cơ sở, trang thiết bị, nhân viên đủ điều kiện hoạt động…; kiên quyết xử lý các cơ sở hoạt động “chui”, hoạt động vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe, tính mạng của khách hàng. Người dân nếu có nhu cầu làm đẹp, đặc biệt làm các thủ thuật có tác động tới cơ thể nên tìm hiểu thật kỹ những cơ sở có uy tín và được cấp phép đầy đủ, tránh đến cơ sở không uy tín để rồi “tiền mất, tật mang”./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc