Đi lễ đầu xuân từ lâu đã trở thành nét văn hóa tâm linh trong đời sống của người dân. Tuy nhiên hiện nay nhiều người dân chưa có sự phân biệt rõ đâu là hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng chính thống, đâu là hành vi theo mê tín dị đoan, từ đó thực hành tâm linh sai lệch hùa theo “đám đông”, trong đó có việc “đua nhau” dâng sao giải hạn.
Nhân dân lễ đầu năm tại Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). |
Theo quan niệm dân gian, trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất (Cửu Diệu) sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Các sao này có sao tốt và sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật... Bởi vậy, “đến hẹn lại lên”, dịp cuối năm nhiều người thường tìm đến các thầy bói để tính sao, đoán hạn, tìm cách giải vận hạn sao chiếu mệnh trong năm mới. Gia đình bà T.T.L, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) hiện có 3 người, trong đó sang năm Canh Tý (2020) cả chồng và con trai bà đều có sao Thái Bạch chiếu mệnh (được quan niệm là sao hao tài tốn của), bản thân bà L bị chiếu bởi sao Thủy Diệu (theo quan niệm là sao gây đổ máu) nên bà L đã đăng ký làm lễ dâng sao, giải hạn tại một ngôi chùa làng. Còn trường hợp chị H.T.L (thành phố Nam Định) do công việc kinh doanh buôn bán nên chị luôn tin tưởng quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Mỗi dịp đầu xuân chị đều dành số tiền từ 4-5 triệu đồng để làm lễ dâng sao giải hạn cho gia đình tại nhà và chùa. Thượng tọa Thích Giác Vũ, Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định cho biết: “Trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn. Cầu an và dâng sao giải hạn là hai hình thức có tính chất hoàn toàn khác nhau. Lễ cầu an là nghi lễ thuộc về Phật giáo nhằm hướng các phật tử đến điều an lành, sống theo lời Phật dạy. Còn dâng sao giải hạn theo quan niệm thực dụng là dâng lễ vật để tai qua nạn khỏi. Quan điểm nhà Phật thì con người là chủ nhân quyết định vận mệnh của mình, không một ai hay thế lực nào có thể cứu ta và giải thoát cho ta. Sống thiện thì mới có thể biến họa thành phúc…”.
Để chấn chỉnh tình trạng biến tướng cúng sao, giải hạn do các nhà chùa chủ trì tổ chức nở rộ những năm qua đã được các cơ quan truyền thông phản ánh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành Công văn số 016/CV-HĐTS, ngày 6-1-2020 hướng dẫn các chùa tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an trong dịp Tết cổ truyền Xuân Canh Tý. Theo đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni khi tổ chức thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh yếu tố mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng với chính pháp của Phật giáo dễ bị xã hội hiểu lầm là lệch chuẩn tâm linh. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni khi thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an không dùng các thuật ngữ như: “giải hạn”, “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”… mà phải nêu bật ý nghĩa, sự vận hành luật nhân quả của Phật giáo, tạo phúc đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt. Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã triển khai tinh thần của công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thành phố. Các vị trụ trì các chùa trên địa bàn tỉnh đều phổ biến nội dung của công văn đến các phật tử thông qua các buổi thuyết pháp. Nhiều chùa trên địa bàn tỉnh là điểm sáng trong việc thực hiện tuyên truyền tới nhân dân, tiêu biểu như Chùa Vọng Cung, Chùa Cả, Chùa Ỏn (thành phố Nam Định), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Bảo Hoa (Giao Thủy), Chùa Phúc Sơn (Hải Hậu), Chùa Đống Trúc (Ý Yên)... Chùa Vọng Cung là một trong những ngôi chùa có truyền thống nhiều năm liền thực hiện tốt việc tuyên truyền cho phật tử về việc không dâng sao, giải hạn, không đốt vàng mã. Theo đó, từ mồng 4 đến mồng 10 tháng Giêng tại Chùa Vọng Cung chỉ tổ chức đọc kinh Dược Sư và Phổ Môn trong lễ cầu an. Trong các buổi thuyết giảng vào ngày rằm và 30 âm lịch hàng tháng, trụ trì chùa đều nhắc nhở phật tử thực hiện đúng giáo lý nhà Phật. Hiện nay, những phật tử được quy y ở Chùa Vọng Cung khi đến lễ chùa chỉ mang hương và dâng hoa thành tâm kính Phật.
Thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội; tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc thực hành tín ngưỡng tâm linh… Nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó có thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. UBND huyện Giao Thủy đã thành lập đoàn kiểm tra thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở cả 22 xã, thị trấn vào dịp đầu xuân mới. Nhờ đó các hình thức mê tín dị đoan, trong đó có hiện tượng cúng sao, giải hạn tại các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Huyện Hải Hậu có văn bản hướng dẫn, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị ký cam kết gương mẫu đi đầu và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các quy định, quy chế nếp sống văn hóa. Những gia đình không thực hiện đúng quy chế được thông báo trên hệ thống đài truyền thanh xã. Nhờ đó đến nay, việc đăng ký làm lễ cúng sao, giải hạn tốn kém ở các gia đình và nhà chùa được hạn chế.
Thực tế cho thấy, dâng lễ cúng sao giải hạn là vấn đề liên quan đến tâm lý của người dân. Vì vậy để chuyển biến từ gốc rễ thì các cơ quan hữu quan, cơ sở tôn giáo, thờ tự cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa đích thực của thực hành tín ngưỡng. Từ một số điểm sáng ở những ngôi chùa lớn trên địa bàn tỉnh về thực hiện tuyên truyền không cúng sao giải hạn cho thấy, đã đến lúc cần coi trọng việc giáo dục văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng, từ đó hướng con người tới những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày./.
Bài và ảnh: Viết Dư