Thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai

07:10, 08/10/2019

Từ năm 2009 Đại hội đồng Liên hiệp quốc quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp giảm thiểu các nguy cơ gây hại trong trường hợp xảy ra thiên tai cũng như khuyến khích mọi công dân, Chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng, đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn. Là tỉnh ven biển, chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, để giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, thời gian qua công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai được tỉnh đặt lên hàng đầu.

Diễn tập phòng chống thiên tai tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc).
Diễn tập phòng chống thiên tai tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc).

Tỉnh chủ động rà soát các nguy cơ tác động, gây ảnh hưởng của thiên tai đối với địa phương để đưa ra phương án ứng phó, giảm nhẹ. Qua đó, đã xác định các hiện tượng thời tiết cực đoan nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão, lũ, lụt, xói lở bờ biển, suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề tỉnh phải gánh chịu nhiều tác động tiêu cực nhất. Từ đó, tỉnh đã xây dựng các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả tương ứng với các loại hình thiên tai, chú trọng ứng phó các hiện tượng bất thường bão, lũ, mưa lớn “kỷ lục”, sạt lở đất, động đất, sóng thần… để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, người dân nghiên cứu thực hiện. Trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; kịp thời sửa chữa, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão… Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh đã chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng trong quản lý, thi công xây dựng, tu sửa các công trình đê, kè, cống xung yếu, gồm: kè Vị Khê, đoạn đê kiểu mẫu xã Điền Xá, kè Quy Phú, đê hữu Hồng (Nam Trực); kè Mặt Lăng, Phượng Tường, Trực Thanh, Trực Mỹ (Trực Ninh); xây dựng mới các cống Quần Vinh I, Quần Vinh II; tu sửa tuyến đê biển Nghĩa Thắng - Nghĩa Phúc bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công tuyến đường trục phát triển, kè khu sinh thái Rạng Đông, đê biển Nghĩa Hải, xử lý tình trạng bị thẩm lậu, rò rỉ của đê tả Đáy (Nghĩa Hưng); tuyến đê, kè Óng Bò - Ngô Xá (thành phố Nam Định); tuyến đê kè Quán Khởi, đê bối Yên Trị, bờ bao đê xã Yên Bằng, cống Đông Duy, kè Quỹ Độ, công tác khắc phục sự cố thẩm lậu, rò rỉ trên đê tả Đáy (Ý Yên); kè Phú Ân, cống Ngô Đồng (Xuân Trường); kè Cồn Ba, Cồn Tư, đê kè Giao Hương, Giao Thiện, khắc phục tình trạng đê biển, cống Quất Lâm bị nứt, gãy mặt, tình trạng sạt sập đê biển bãi tắm Quất Lâm; sạt lở mái đê tả Sò và khu neo đậu tàu thuyền Hà Lạn (Giao Thủy); cống số 1, cống Hạ Trại, cống 1/5, kè Cồn Tròn, kè Hải Thịnh 3, tuyến đê bãi tắm Thịnh Long (Hải Hậu). Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án trồng rừng góp phần tạo bãi bồi ven biển, giảm tối đa các tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo vệ đê biển. Tiêu biểu như các dự án: phục hồi tài nguyên, hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ tỉnh tại huyện Nghĩa Hưng với diện tích 36,1ha, tổng mức đầu tư 8,721 tỷ đồng; dự án giảm sóng, ổn định bãi và trồng 70,71ha rừng ngập mặn bảo vệ nam Cồn Xanh huyện Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư là 21,372 tỷ đồng; dự án bảo vệ và phát triển 141,07ha rừng phòng hộ ven biển tỉnh giai đoạn 2015-2020 tại 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư 49,149 tỷ đồng. Là tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng Bắc Bộ nên tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ lúa chất lượng cao đã chiếm hơn 70% diện tích sản xuất lúa; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với trước đây. Các giống cây rau màu được chuyển đổi theo hướng chất lượng, đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu. Bộ giống trong chăn nuôi được thay thế bằng các giống ngoại có nhiều ưu thế về năng suất, sản lượng, có sức đề kháng cao, thích nghi hơn với những thay đổi bất thường của thời tiết. Các đối tượng thủy sản nuôi được chuyển đổi mạnh sang các giống có năng suất, chất lượng cao, có thị trường ổn định. Các biện pháp kỹ thuật canh tác mới áp dụng quan tâm nhiều hơn đến tác động môi trường và khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa sạch, đa dạng và phát triển. 

Để thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai năm 2019, tỉnh tiếp tục đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc môi trường, hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai. Trước mắt, chỉ đạo Vườn Quốc gia Xuân Thủy và cảng Thịnh Long xây dựng điểm quan trắc theo quy định tại Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ và Luật Khí tượng thủy văn; triển khai xây dựng các trạm quan trắc về khí tượng thủy văn, trạm đo mặn và trạm giám sát biến đổi khí hậu theo quy hoạch. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho mọi người dân. Tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao ý thức chịu trách nhiệm trong thực thi các nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai ở các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai phù hợp theo kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh./. 

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com