Nạn bạo hành phụ nữ, cần sự lên án mạnh mẽ của xã hội

04:10, 04/10/2019

Thời gian gần đây tại nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành phụ nữ gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Sáng 27-8, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh chị Vũ Thị Thu L. (27 tuổi, đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội) bế con nhỏ liên tục bị chồng là “võ sư” Nguyễn Xuân Vinh đấm đá, ném sỏi vào người. Sau đó, anh trai của chị L. đã làm đơn tố cáo lên Công an phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội). Người nhà cho biết đây không phải lần đầu chị L. bị chồng bạo hành. Cùng ngày, Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) quyết định trưng cầu giám định thương tích đối với chị Lâm Thị M. (31 tuổi, ngụ tại An Giang), người phụ nữ đang mang thai khoảng 26 tuần. Trước đó, chị M. từng bị người chồng hờ tên An đánh gãy tay, vỡ nền sọ. Mới nhập viện 2 ngày, An bắt M. xuất viện về nhà nấu cơm phục vụ và tiếp tục đánh đập cho đến khi người dân xung quanh phát hiện, đưa chị M. trở lại viện. Không lâu sau đó, một phụ nữ ở Tây Ninh bị chồng dìm xuống hồ bơi và bạo hành dã man phải nhập viện cấp cứu. Theo đó, vào chiều tối 14-9, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại cảnh một người đàn ông đánh đập dã man một phụ nữ dưới hồ nước. Người đàn ông liên tục vật ngã người phụ nữ xuống nước. Dù người phụ nữ cố gắng chống cự nhưng vẫn bị người đàn ông liên tục lao vào hành hung. Đoạn clip sau đó nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ. Sau khi đoạn clip được đăng tải, lực lượng chức năng đã vào cuộc xác minh. Qua đó, sự việc được xác định xảy ra tại căn nhà thuộc xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Người phụ nữ trong clip là chị Trần Thị Tuyết M. (31 tuổi), còn người đàn ông có hành động gây bức xúc trên là chồng của chị M. Qua điều tra xác minh của lực lượng chức năng, trong các vụ việc trên, những người phụ nữ đều đã bị chồng đánh đập nhiều lần, tuy nhiên các chị đều chấp nhận im lặng không trình báo công an. Lý giải nguyên nhân một số phụ nữ chấp nhận chịu đựng người chồng bạo lực, các chuyên gia tâm lý cho rằng có 4 lý do chính. Một là tâm lý sợ xấu hổ với hàng xóm, gia đình. Hai là do người chồng sau khi có hành vi bạo lực lại “lấp liếm” bằng cử chỉ âu yếm khiến vợ mủi lòng bỏ qua. Ba là người vợ còn phụ thuộc về kinh tế, chưa tự chủ tài chính. Bốn là mong muốn con cái được hưởng tình cảm trọn vẹn từ cả cha lẫn mẹ.

Số liệu từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố cho thấy gần 60% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Bạo lực đối với phụ nữ đang là nguy cơ phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Hiện tại Việt Nam đã dần từng bước xây dựng khung pháp lý giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình cũng như tăng cường thực thi pháp luật nhằm từng bước thu hẹp bất bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp, chính sách và thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Gia đình là một tập hợp cá nhân với những sự khác biệt về tính tình, sở thích, lối sống. Do vậy trong cuộc sống không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng ý kiến. Khi gặp phải những mâu thuẫn, xung đột, các thành viên trong gia đình cần bình tĩnh trao đổi, tránh hiện tượng dùng quyền lực, sức mạnh, sự phụ thuộc của người khác để ép buộc những thành viên khác theo ý muốn của mình. Để bảo vệ chính mình, bản thân những người phụ nữ bị bao hành cần mạnh dạn lên tiếng, tránh để tình trạng bạo hành diễn ra liên tục kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của bản thân và hạnh phúc của gia đình. Các tổ chức, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ban công tác mặt trận cơ sở cần kịp thời phát hiện các vụ bạo hành, có biện pháp hòa giải các mâu thuẫn tránh để những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. Xã hội cần lên án và có biện pháp răn đe thích đáng đối với những đối tượng thích dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền lợi cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com