Văn hóa giao thông là những hành vi xử sự đúng pháp luật theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đang được Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo nhằm từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong trường học, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ tới các trường học bằng nhiều hình thức như: Liên hoan phát triển năng lực học sinh tiểu học chủ đề An toàn giao thông tại tất cả các trường tiểu học trong tỉnh; giao lưu tìm hiểu kỹ năng an toàn giao thông cho học sinh tiểu học cấp tỉnh và tham gia giao lưu tìm hiểu kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp quốc gia… Các trường học chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện tuyên truyền về an toàn giao thông trong các buổi chào cờ, sinh hoạt và các giờ học ngoại khóa. Tại nhiều trường học trong giờ học ngoại khóa nhà trường đã mời cán bộ công an giao thông truyền đạt kiến thức về Luật Giao thông, những điểm cần lưu ý khi tham gia giao thông cho giáo viên và học sinh. Qua đó giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đạp, các quy tắc giao thông đối với người đi bộ, không tụ tập trước cổng trường, không đi hàng ngang, nô đùa khi đến trường và khi tan học; nghiêm túc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm... Trong các giờ học ngoại khoá, học sinh còn đặt các câu hỏi để được giải đáp và tham gia trả lời câu đố vui mang kiến thức, tình huống về an toàn giao thông. Ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện nhớ đội mũ và đề nghị ông, bà, cha, mẹ… đi cùng phải đội mũ bảo hiểm. Đoàn Thanh niên nhà trường phát động phong trào giữ gìn trật tự an toàn giao thông với các khẩu hiệu: “Văn hóa giao thông, đồng hành tuổi trẻ”, “Văn hoá giao thông là không tai nạn”, “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”, “Xây dựng xã hội giao thông văn minh, đầy tình người và không tai nạn”…
Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức, các trường học đã tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông, giáo dục kiến thức an toàn giao thông cho học sinh ngay từ đầu năm học mới thông qua các hoạt động như: Tổ chức cho học sinh xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông; tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện không vi phạm an toàn giao thông. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường tổ chức cho phụ huynh ký cam kết, thực hiện “Không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông”. Trong đó, nội dung đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện là một trong những yêu cầu bắt buộc; dừng đỗ xe đúng nơi quy định khi đưa, đón học sinh, chú ý đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc trước cổng trường. Các nhà trường còn phối hợp với chính quyền và công an địa phương phát hiện và giáo dục những học sinh có biểu hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các trường học còn lập tổ phụ trách theo dõi, nhắc nhở những học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm... Nhiều trường học đã đưa nội dung giáo dục trật tự an toàn giao thông vào trong giờ học chính khóa, thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục trật tự an toàn giao thông vào các môn học khác và trong các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp phù hợp với thực tế từng cấp học. Ngoài ra, các trường học còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh, tìm hiểu kiến thức, diễn tiểu phẩm những tình huống tham gia giao thông,... Nhờ vậy, học sinh có thêm kiến thức về luật giao thông và hình thành thói quen ứng xử khi tham gia giao thông. Nhiều năm qua, Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thành phố Nam Định) đã thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và xây dựng Đội tự quản an toàn giao thông. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các khối lớp thực hiện giảng dạy an toàn giao thông theo chương trình nội, ngoại khoá; lồng ghép nội dung chương trình giảng dạy an toàn giao thông vào các môn học; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông… Do đó, nhà trường đã khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường; việc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong học sinh đã đi vào nền nếp… Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Thuý (Xuân Trường) tổ chức tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức như: Phổ biến các văn bản, tài liệu cho các lớp, dán trên các bảng công cộng, phát thanh trong giờ ra chơi; dạy các kiến thức về an toàn giao thông lồng ghép trong giờ dạy Giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; sinh hoạt ngoại khóa; nghe nói chuyện chuyên đề; treo khẩu hiệu ngoài cổng trường... Ban chấp hành Đoàn trường thành lập đội xung kích trực trật tự an toàn giao thông tại cổng trường; kiểm tra việc học sinh chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...
Việc xây dựng văn hoá giao thông trong các trường học đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên và phụ huynh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh ở các cấp học đã được nâng lên. Thời gian tới, các trường học trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giáo dục pháp luật để học sinh chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đồng thời cung cấp kiến thức và kỹ năng lái xe máy, xe đạp điện cho học sinh, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông./.
Minh Thuận