Qua 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Người dân khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Hải Vân (Hải Hậu). |
Tại huyện Xuân Trường, ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức rà soát các tiêu chí cho các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, tăng cường giám sát, hỗ trợ các trạm y tế về cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí quốc gia về y tế. Với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả, đến hết năm 2017 toàn bộ 20 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng trạm y tế. Trong đó có 18/20 xã xây mới trạm y tế xã và 2 xã cải tạo, nâng cấp trạm y tế, đáp ứng được tiêu chí cơ sở vật chất với kinh phí đầu tư xây dựng trên 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Trình độ chuyên môn của cán bộ các trạm y tế được nâng cao về chất lượng, thực hiện tốt các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến; công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, dịch bệnh được giám sát chặt chẽ, không có dịch lớn xảy ra; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được chú trọng, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu y tế như: Phòng chống HIV, phòng chống lao, phong, suy dinh dưỡng, sốt rét... được thực hiện hiệu quả. Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được nâng lên rõ rệt. Đến hết năm 2017, cả 20 xã, thị trấn của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng chỉ còn 13,64%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87%.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) và sự chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, Sở Y tế đã tập trung đầu tư nâng cấp các trạm y tế tuyến xã, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế nhất là các đối tượng chính sách: người nghèo và cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công. Qua 9 năm triển khai thực hiện các nội dung về y tế trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mạng lưới y tế cơ sở đã đạt được kết quả quan trọng. Hệ thống trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, cán bộ, nhân viên y tế được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại tuyến cơ sở. Những năm qua, UBND tỉnh hỗ trợ 32,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa trạm y tế; Sở Y tế đầu tư 4,7 tỷ đồng mua trang thiết bị cấp cho các trạm y tế tuyến xã. Trong đó có 9 trạm y tế xã được hỗ trợ đủ vốn xây dựng trạm y tế, mỗi trạm 1,5 tỷ đồng gồm: Hải An, Hải Tây (Hải Hậu); Bạch Long, Giao Thịnh (Giao Thủy); Minh Thuận (Vụ Bản); Trực Hưng (Trực Ninh); Yên Tân (Ý Yên); Tân Thịnh (Nam Trực); Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng); 8 trạm y tế xã đã được hỗ trợ xây dựng, mỗi trạm 500 triệu đồng; 15 trạm y tế xã được hỗ trợ xây dựng, mỗi trạm 600 triệu đồng. Tính đến hết tháng 8 năm 2019, toàn tỉnh có 224/229 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 97,82%; trong đó cả 209 xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí 15 về y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới. 186/229 trạm y tế có bác sĩ, chiếm 81,2%; 100% cán bộ y tế xã, phường, thị trấn đang hợp đồng trong định biên theo Quyết định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ được tuyển dụng thành viên chức y tế theo Nghị định 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014.Toàn tỉnh có 3.701/3.701 thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, đạt tỷ lệ 100%.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã huy động các nguồn lực ngoài ngân sánh Nhà nước, tiếp nhận, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO), tổng mức đầu tư 4 tỷ 199 triệu đồng và 5 dự án ODA với tổng mức đầu tư 106 tỷ 88 triệu đồng. Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng - Dự án thành phần tỉnh Nam Định (NORRED) nhằm tăng cường năng lực tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi; 3 Trung tâm Y tế huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên; mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế cho đối tượng người cận nghèo. Dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) hợp phần 3 triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng theo nguyên lý y học gia đình. Đầu tư trang thiết bị y tế cho Trường Trung cấp Y tế và 5 đơn vị thực hành lâm sàng phục vụ giảng dạy, thực hành theo nguyên lý y học gia đình. Đầu tư trang thiết bị cho 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Hệ thống y tế cơ sở được hoàn thiện, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; sử dụng phần mềm HIS trong khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế... Các dự án tập trung vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật mới từ các bệnh viện Trung ương; đào tạo bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh tuyến y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, góp phần quan trọng trong việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và phòng bệnh ngày càng cao của nhân dân, tạo ra bước chuyển biến mới trong hệ thống y tế, tăng khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh, từng bước thực hiện công bằng trong hưởng thụ chăm sóc y tế. Mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.
Được quan tâm đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế, đội ngũ cán bộ được đào tạo, bổ sung, nâng cao trình độ đã tạo động lực, nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Các chương trình mục tiêu quốc gia do ngành Y tế quản lý được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực. Công tác phòng chống dịch bệnh được đảm bảo, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao. Cùng với mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn, các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư 86,79 tỷ đồng, sửa chữa, xây mới, cơ sở làm việc khang trang và mua sắm trang thiết bị; đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Hàng năm, các bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch khám chữa bệnh, công suất giường bệnh đạt 100-130%. Ngày điều trị trung bình của bệnh viện các tuyến đạt và giảm so với kế hoạch, số lần khám bình quân đạt 2,5 lần/người/năm, giảm các tai biến trong điều trị và tỷ lệ tử vong trước 24 giờ, góp phần giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến Trung ương./.
Bài và ảnh: Minh Tân