Huyện Hải Hậu được chọn là một trong những đơn vị làm điểm đầu tiên trên toàn quốc xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện, huyện đã khẳng định xứng đáng là điểm sáng tiêu biểu được các địa phương trong toàn quốc học tập về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở từng xã, từng xóm làng và mỗi người dân…
Một khu dân cư đổi mới ở thị trấn Yên Định. |
Là đơn vị đầu tiên thí điểm xây dựng nông thôn mới vào năm 2009, huyện Hải Hậu gặp nhiều khó khăn như: sản xuất nông nghiệp còn manh mún, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chậm phát triển; nhiều lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về chương trình xây dựng nông thôn mới có tư tưởng trông chờ vào Nhà nước đầu tư. Một số xã có xuất phát điểm thấp (năm 2010 bình quân các xã trong toàn huyện mới đạt 7/19 tiêu chí, còn 28/35 xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới); tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện mới đạt 20,2%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn cao (11,17%). Trước tình hình đó, huyện Hải Hậu đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thi đua xây dựng nông thôn mới theo hướng: thực hiện nhanh việc dồn điền, đổi thửa; lựa chọn và xếp thứ tự ưu tiên thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới theo hướng “dễ, cần ít nguồn lực làm trước, khó và cần nhiều nguồn lực làm sau”; “làm từ đồng về làng, từ hộ gia đình ra thôn, xóm, từ xóm lên xã”; từ bộ tiêu chí khung, huyện cụ thể hóa thành 11 tiêu chí xóm nông thôn mới để cơ sở dễ tổ chức, triển khai; xây dựng kế hoạch, lộ trình, hướng dẫn thực hiện cụ thể từng nội dung tiêu chí nông thôn mới; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các chức sắc tôn giáo, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, của mỗi cán bộ, đảng viên; cụ thể hóa từng nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới thành các phong trào thi đua, các cuộc vận động và triển khai tới tất cả các cơ quan, đoàn thể, các thôn xóm, các hộ gia đình; có cơ chế tạo nguồn lực cho các xã, thị trấn để xây dựng nông thôn mới thông qua việc quy hoạch, hình thành các khu dân cư tập trung và đấu giá quyền sử dụng đất; hỗ trợ “vốn mồi” để khuyến khích các xã, các thôn xóm đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới; huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực xã hội hóa và nguồn lực hỗ trợ của con em địa phương xa quê; kêu gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động; phân cấp đầu tư và quản lý các công trình nông thôn mới cho xã, thị trấn, cho các thôn, xóm, vận động các hộ gia đình tự đầu tư chỉnh trang khuôn viên hộ gia đình; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát cộng đồng đối với tất cả các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Sau 9 năm nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo trên cơ sở các chủ trương chỉ đạo định hướng của Trung ương và của tỉnh, diện mạo nông thôn Hải Hậu thay đổi rõ rệt toàn diện, nhất là kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường; kinh tế nông thôn phát triển khá với nhiều mô hình và hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, hiệu quả; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, là huyện thường xuyên đứng trong tốp đầu của tỉnh về cả 3 lĩnh vực (văn hóa, y tế, giáo dục); đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, điều kiện sống được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân của người dân năm 2018 tăng hơn 4,3 lần so với 2010; nhân dân ngày càng được hưởng thụ nhiều tiện ích, dịch vụ công và được chăm lo cuộc sống ngày càng tốt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo; đội ngũ cán bộ địa phương từ huyện đến cơ sở ngày càng trưởng thành về năng lực và trách nhiệm công vụ. Huyện Hải Hậu liên tục đi đầu trong xây dựng nông thôn mới với những dấu mốc quan trọng: là huyện đầu tiên trong cả nước về đích nông thôn mới (năm 2015) với 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn; hoàn thành chương trình “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển giai đoạn 2016-2020” và chủ động đề xuất xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới đạt 3.838,023 tỷ đồng; bình quân mỗi xã, thị trấn đầu tư khoảng 110 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1/3, còn lại do xã hội hóa, nhân dân đóng góp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Đầu năm 2018, huyện Hải Hậu cùng với các huyện Nam Đàn (Nghệ An), Xuân Lộc (Đồng Nai) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn chỉ đạo điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu, làm cơ sở để tổng kết, đánh giá, đề xuất bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trình Thủ tướng Chính phủ, ban hành vào năm 2020. Triển khai xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, dù vẫn tiếp tục “dò đá qua sông” do chưa có hình mẫu cụ thể, Trung ương chưa hướng dẫn nhưng từ kinh nghiệm giai đoạn đầu, huyện Hải Hậu bám sát mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân để xây dựng bộ tiêu chí cụ thể cho xóm, xã và xây dựng đề án xây dựng Hải Hậu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” tập trung vào 3 nhóm tiêu chí chính là: có hạ tầng nông thôn “kiên cố - đồng bộ - kết nối”; có cảnh quan nông thôn “xanh mát - sạch sẽ”; có “nếp sống văn hóa đẹp - tiến bộ”. Trong đó, nâng cao các tiêu chí “Đường có điện, có hoa, nhà có số, phố có tên, sông không rác, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”; quan tâm khắc phục khó khăn đối với một số tiêu chí chưa bền vững và thiếu ổn định như: giao thông, thu nhập, tiêu chí hộ nghèo và môi trường… Một khó khăn cũng được huyện xác định là việc huy động nguồn lực từ cộng đồng cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 đã rất lớn nên giai đoạn này huyện chủ trương thực hiện phương châm làm thường xuyên, làm mỗi ngày để nâng cao chất lượng cuộc sống; phát huy vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo đồng hành cùng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới và tạo nguồn lực để các xã thực hiện. Theo đó, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn bám sát chủ trương của tỉnh lập quy hoạch xây dựng các khu dân cư tập trung để tổ chức đấu giá đất tạo nguồn thu đầu tư hạ tầng; đồng thời huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí và lựa chọn đầu tư vào những phần việc mang tính đột phá như đúc cột đèn led, ngầm hóa hệ thống điện chiếu sáng cho các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo đường mở đến đâu sáng - xanh - sạch - đẹp đến đó. Trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ các xã, thị trấn trên 40 tỷ đồng để lắp mới và nâng cấp lò đốt, xử lý rác tập trung; xây bồn hoa, trồng cây xanh, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, xóm; đúc cột điện… Chủ trương, lộ trình thực hiện của huyện nhận được sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay vào cuộc. Do vậy, ngoài 8 xóm của 8 xã được huyện chọn làm điểm có thêm 3 xã là Hải Thanh, Hải Quang, Hải Đông chủ động đề xuất làm điểm quy mô toàn xã và thêm 1 mô hình xóm nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Hải Châu. Đến nay, toàn huyện có 9 mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cấp xóm, 3 mô hình cấp xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường và văn hóa; 3 tuyến đường nông thôn kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp đang được hoàn thành.
Đồng chí Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Quán triệt quan điểm chương trình xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc mà là sự nghiệp lâu dài, thường xuyên nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của đời sống người dân nông thôn nên huyện đã nêu cao sự thống nhất, quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Ý thức tự giác, tính cộng đồng của người dân và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương mang tính quyết định thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hải Hậu. Người dân nhận thức rõ chương trình xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn; cộng đồng dân cư được xác định là chủ thể, vừa là nguồn lực, là đối tượng được hưởng thụ. Chính quyền định hướng, chủ động, sáng tạo lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp huy động tốt các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa và có cơ chế khuyến khích, động viên khen thưởng phù hợp nhằm tạo động lực cho các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Thành công của huyện Hải Hậu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các giai đoạn một lần nữa khẳng định điểm sáng tiêu biểu trong toàn tỉnh, xứng danh đơn vị 40 năm điển hình văn hóa thông tin cấp huyện của cả nước, 4 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương