Về Nghĩa Minh - xã tiên phong của huyện Nghĩa Hưng, từ công tác xóa nghèo, chúng tôi cảm nhận những đổi thay rõ nét ở các làng quê. Những con đường liên thôn, liên xã được mở rộng, bê tông hóa, trải nhựa sạch đẹp. Những ngôi nhà kiên cố, kiến trúc hiện đại mọc lên san sát, người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Đồng chí Hoàng Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để thực hiện giảm nghèo bền vững, xã tập trung tuyên truyền các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhằm đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ và cách làm theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Xã đã quy hoạch vùng sản xuất lúa, triển khai thực hiện đề án Chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh phát triển vụ đông trên đất 2 lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Sản xuất nông nghiệp của xã tuân theo quy trình kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp công nghệ cao…”. Đến nay, đất nông nghiệp của xã Nghĩa Minh là 318,5ha (chiếm tỷ lệ 59,59%) tổng diện tích hành chính. Xã xác định giảm diện tích đất nông nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp dịch vụ nhưng sản lượng, giá trị canh tác trên ha phải tăng. Hàng năm, UBND xã mở các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho người dân… Xã cũng tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp xây dựng, hoạt động. Đến nay trên địa bàn xã có 8 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm, thu nhập cho 1 ngàn lao động. Bên cạnh đó, xã chú trọng phát triển các ngành nghề: Khâu nón, mộc, hàn xì, xây dựng, may mặc… Hiện nay, nghề làm nón lá ở xã thu hút 70% hộ dân tham gia. Với việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, đến nay, xã Nghĩa Minh không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 48,3 triệu đồng/năm.
Công ty Cổ phần May Sông Hồng đầu tư nhà máy trên địa bàn xã Nghĩa Thái, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Xã Nghĩa Thái có 2.430 hộ dân, kinh tế nông nghiệp chiếm 39%. Với xuất phát điểm thuần nông, để giảm nghèo, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo phát triển đa dạng ngành nghề để giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác dồn điền đổi thửa; trong đó diện tích đất công được quy hoạch gọn, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xã tạo điều kiện cho 1.193 hộ vay vốn ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách và các kênh dự án với tổng số dư trên 71 tỷ 300 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức mở 7 lớp dạy các nghề: May công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí…; thu hút hàng trăm lượt lao động tham gia. Đến nay xã Nghĩa Thái đã phát triển mạnh các ngành nghề: Sản xuất đồ mộc dân dụng, dệt chiếu, may công nghiệp, khâu nón… Nghề mộc dân dụng ở xã phát triển với nhiều cơ sở sản xuất tập trung; tiêu biểu như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Thuận Trường; tổ hợp sản xuất của các ông: Phạm Văn Thành, xóm 11; Tô Văn Tĩnh, xóm 4; Đỗ Văn Tuyến, xóm 16 thường xuyên nhận được các hợp đồng thi công phần gỗ cho các công trình xây dựng; sản xuất đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ... Ngoài ra, xã Nghĩa Thái còn thu hút được 2 doanh nghiệp may công nghiệp về đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Thu Nguyên (Thành phố Nam Định) và Công ty Cổ phần May Sông Hồng tạo việc làm cho gần 1 ngàn lao động của xã với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ cấu kinh tế của xã Nghĩa Thái đã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay chỉ còn 1,06%, hộ cận nghèo 9,98%, 95% lao động có việc làm thường xuyên; bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 39,5 triệu đồng/năm.
Thực hiện các biện pháp giảm nghèo, huyện Nghĩa Hưng gặp khó khăn. Một số xã ven biển có địa hình thấp nên dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Quy mô sản xuất của nhiều hộ dân còn nhỏ lẻ, năng suất lao động, thu nhập từ nông nghiệp thấp. Ngành dịch vụ phát triển chậm, chưa khai thác hết các tiềm năng kinh tế biển… Để giải quyết khó khăn, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các xã, thị trấn tiến hành rà soát, điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy trình, đánh giá đúng thực trạng của địa phương, từ đó xây dựng chương trình giảm nghèo. Huyện đề ra các giải pháp cụ thể như: Hỗ trợ vốn vay người nghèo để giải quyết việc làm, nâng cao mức thu nhập, thoát nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục và đào tạo cho người nghèo; dạy nghề cho lao động nghèo... Theo số liệu thống kê, đến nay, tổng số hộ nghèo toàn huyện ước đạt 1,2%, số hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm xuống còn 0,45%. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo. Riêng năm 2018, huyện đã hỗ trợ tiền điện cho 3.159 hộ nghèo với số tiền gần 455 triệu đồng; hỗ trợ 1.552 lượt hộ vay số tiền 60 tỷ 569 triệu đồng vốn ngân hàng chính sách; hỗ trợ 3.037 người mua thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các hộ nghèo còn được hỗ trợ về nhà ở, trợ giúp pháp lý, vay vốn ưu đãi, học nghề… để giảm bớt khó khăn, vươn lên cải thiện cuộc sống. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó ưu tiên đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 175 lao động nghèo. Sau đào tạo, lao động thuộc hộ nghèo đều tìm được việc làm phù hợp, tích cực áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ người nghèo, huyện mở rộng đào tạo các ngành nghề mới, phát triển làng nghề để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất thành lập doanh nghiệp để thu hút lao động. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động sản xuất nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động… Hình thành quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động ở địa phương; hỗ trợ kinh phí học nghề, tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi để người lao động vùng nông thôn có điều kiện tham gia xuất khẩu lao động, nhất là các đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ, qua đó hàng năm giải quyết việc làm mới cho trên 4 ngàn lao động. Bằng các giải pháp đồng bộ, đến nay số lao động có việc làm trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ 96%.
Với việc triển khai các biện pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo của huyện Nghĩa Hưng đã đạt được kết quả quan trọng. Các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống./.
Bài và ảnh: Viết Dư