Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống thiên tai cho cộng đồng

07:08, 02/08/2019

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, ngày càng nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai để đảm bảo người dân chủ động, không chủ quan, thích ứng nhanh là nhiệm vụ yêu cầu quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhiều giải pháp đồng bộ, lồng ghép các chương trình, dự án trong và ngoài nước đã được triển khai thực hiện giúp trang bị kỹ năng phòng, chống thiên tai cho nhân dân phù hợp với các đối tượng, địa bàn.

Huyện Hải Hậu diễn tập phương án di dân khi có siêu bão đổ bộ vào địa bàn, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức chủ động phòng, chống thiên tai, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Huyện Hải Hậu diễn tập phương án di dân khi có siêu bão đổ bộ vào địa bàn, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức chủ động phòng, chống thiên tai, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.

Hàng năm, công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai được các cấp, các ngành và các huyện, thành phố quan tâm triển khai tích cực. Các địa phương, các ngành đã tổ chức quán triệt phổ biến nội dung Luật Phòng, chống thiên tai, các luật liên quan, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Việc phổ biến, tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, các huyện, thành phố; trên hệ thống đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn; xây dựng phim hướng dẫn các nội dung công tác phòng, chống thiên tai cấp xã: các biện pháp, kỹ năng xử lý các tình huống, sự cố thiên tai; xây dựng chuyên mục “hỏi - đáp” về nội dung Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai, mỗi chuyên mục từ 5-10 phút/ngày phát trên đài phát thanh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng ngừa rủi ro thiên tai cho học sinh, đặc biệt là rủi ro do đuối nước trong mùa mưa lũ; thực hiện cắm biển cảnh báo tại một số vị trí có nguy cơ mất an toàn nếu xảy ra thiên tai. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện thường xuyên thông báo tần số liên lạc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các phương tiện hoạt động nghề cá biết để có kế hoạch phòng, ngừa, tránh trú an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi sản xuất trên biển; tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho ngư dân, đội ngũ thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn khi tham gia đánh bắt, vận tải trên sông, trên biển; các quy định của tỉnh để ngư dân tự giác chấp hành, khai báo ngư trường khai thác, hỗ trợ bạn nghề và chủ động thực hiện tốt công tác tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới khi có thông báo. Từ cuối năm 2018 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng tổ chức 3 lớp tập huấn cho 283 thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu, thuyền và ngư dân về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phát 900 tờ rơi với nội dung về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển; phát 800 bản đồ phục vụ việc theo dõi đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới; dán 1.500 tờ rơi trên các tàu cá theo quy định Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc và cấp phát 200 quyển sổ tay về kỹ thuật nuôi thủy sản cho ngư dân. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5 (Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp giấy phép sử dụng tần số thông tin cho 19 tàu cá. Bước vào mùa mưa bão năm nay, các huyện, thành phố đã tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống thiên tai với các tình huống bão, lụt, qua đó giúp các lực lượng tham gia thực hành các kỹ năng nhiệm vụ xử lý tình huống, nắm chắc nội dung công việc, phát hiện những vấn đề còn chưa phù hợp cần khắc phục, bổ sung trong phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời các địa phương cũng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành của các lực lượng chức năng và người dân, tạo sự chuyển biến đảm bảo ứng phó một cách chủ động các tình huống thiên tai. Đồng chí Nguyễn Khắc Xung, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Để nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai, từ cuối tháng 4-2019, UBND huyện đã lựa chọn 2 xã duyên giang có vùng bối là Thành Lợi và Đại Thắng để tổ chức diễn tập công tác xử lý giờ đầu các tình huống lũ tràn đê sông Đào, thân đê phía nội đồng xuất hiện mạch sủi; xã Tân Khánh diễn tập phòng, chống úng ngập nội đồng. Thông qua các buổi diễn tập, ý thức về phòng, chống thiên tai của người dân trong huyện và các lực lượng tham gia diễn tập đã được nâng lên rõ rệt; đồng thời việc đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức ứng phó với các tình huống thiên tai cũng được rút kinh nghiệm và bổ sung ngay.

Thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường với mức độ tác động tàn phá nặng nề. Do vậy việc nâng cao nhận thức, kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai sẽ giúp chính quyền và người dân có sự chủ động trong phòng, chống đảm bảo hiệu quả giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai đối với đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh tế của người dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com