Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên toàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để xử lý rác thải; trong đó toàn tỉnh đã có 98/204 xã, thị trấn đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc đầu tư, vận hành lò đốt rác của một số địa phương còn nhiều bất cập cần quan tâm và có biện pháp khắc phục.
Tại Hải Hậu, trên toàn huyện đã lắp đặt, vận hành 29 lò đốt rác thải sinh hoạt, xử lý cơ bản lượng rác thải sinh hoạt phát sinh. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra của huyện cho thấy hầu hết các lò đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn lắp đặt sớm đều đang xuống cấp, hoạt động không hiệu quả. Nhiều lò đốt không duy trì hoạt động thường xuyên do hỏng hóc; đốt rác cháy không triệt để dẫn đến tăng tỷ lệ tro xỉ; lực lượng vận hành lò đốt có nơi thực hiện không đúng kỹ thuật, đưa cả rác thải công nghiệp vào đốt. Tại Nam Trực, hiện có 11 lò đốt rác nhỏ cần sửa chữa, nâng cấp, về lâu dài cần phải thay thế. Theo đồng chí Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, qua kết quả kiểm tra của ngành Tài nguyên và Môi trường, đa số các lò đốt rác trên địa bàn tỉnh đều chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT. Cụ thể, kích thước lò nhỏ, chiều cao ống khói, kết cấu và nhiệt độ của buồng đốt đều sai, không thiết kế áp suất âm, không có hệ thống xử lý nước rỉ rác, xử lý mùi. Do vậy các lò này xử lý rác không triệt để và gây ô nhiễm thứ cấp, tồn dư kim loại nặng trong tro thải, phát sinh các chất độc hại dioxin, furan... Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, các đơn vị trực tiếp quản lý vận hành lò đốt rác cũng chưa tuân thủ nghiêm hướng dẫn, không thực hiện phân loại rác, đưa cả rác còn quá ẩm vào đốt nên lượng khói thải nhiều, có những thông số kỹ thuật về khí thải vượt mức quy định.
Trong khi chưa đủ điều kiện để nâng cấp, thay mới, để khắc phục tình trạng trên Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Hướng dẫn 3361/HĐ-STNMT để các địa phương vận hành hiệu quả lò đốt rác thải. Chi cục Bảo vệ môi trường thường xuyên phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn nâng cao năng lực nhân sự quản lý, xử lý rác thải và tổ chức lại mô hình quản lý rác thải cấp xã, bảo đảm lực lượng này nắm vững kiến thức cơ bản về thành phần rác thải, cách phân loại, tái sử dụng, tái chế và quản lý chất thải bền vững. Yêu cầu lực lượng vận hành lò đốt phải thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật: phân loại rác thải trước khi đưa vào lò đốt, không đốt rác còn quá ẩm; không cho rác quá nhiều vào cửa lò; phải duy trì nhiệt độ cao trong buồng đốt thứ cấp; kiểm soát và cung cấp đủ oxy trong quá trình cháy bằng việc đóng mở đều các cửa cấp gió của lò đốt. Đồng thời, tăng cường trồng cây xanh tạo vành đai có chiều rộng khoảng 5-10m quanh khu xử lý rác nhằm giảm tối đa bụi rác bay và phát tán mùi ra môi trường.
Thực hiện hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện đã tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả vận hành lò đốt rác thải và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Huyện Hải Hậu đã tập trung chỉ đạo, yêu cầu UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý chất thải rắn sinh hoạt quy định tại Điều 12, Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 16-5-2017 của UBND tỉnh ban hành quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; rà soát, kiểm tra các lò đốt đã lắp đặt trên địa bàn; tổ chức cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các lò đốt đã xuống cấp đáp ứng yêu cầu quy chuẩn quốc gia về môi trường đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Xem xét, rà soát lại quy trình vận hành các lò đốt của các xã, thị trấn hiện đang hoạt động, yêu cầu cán bộ vận hành thực hiện đúng Hướng dẫn số 58/HD-TNMT ngày 8-2-2017 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện về hướng dẫn vận hành và giám sát lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; nghiêm cấm đốt rác thải công nghiệp tại lò đốt rác thải sinh hoạt; tổ chức quan trắc, giám sát khí thải của các lò đốt theo cam kết nêu tại hồ sơ pháp lý về môi trường của khu xử lý rác thải đã được phê duyệt, xác nhận. Đặc biệt, huyện Hải Hậu chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp các khu xử lý rác thải, đảm bảo theo quy chuẩn QCVN 61-MT:2016/BTNMT; yêu cầu các địa phương xây dựng lộ trình, bố trí kinh phí hoàn thành việc đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý khí thải trong năm 2019. Toàn bộ khí thải phát sinh trong quá trình đốt phải được xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường nhằm hạn chế tình trạng phát tán khí thải gây ảnh hưởng tới khu dân cư xung quanh khu vực xử lý rác thải. Đến nay, 3 xã Hải Phúc, Hải Hà, Hải Thanh đã đầu tư lắp đặt thêm hệ thống xử lý khí thải đáp ứng các quy định theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT. Để giải quyết bất cập trên, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được phê duyệt. Hiện nay, UBND tỉnh đang cho phép lập thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) công suất giai đoạn 1 là 250 tấn/ngày với tổng kinh phí đầu tư khoảng 780 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2020, nhiều công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp sẽ được hình thành như khu xử lý rác thải bằng lò đốt tại các thị trấn: Nam Giang, Xuân Trường, Ngô Đồng./.
Thanh Thúy