Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

07:07, 08/07/2019

Với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 tại tỉnh ta đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Qua đó, tạo điều kiện để trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ xã hội để phát triển; đồng thời nâng cao trách nhiệm của gia đình, trẻ em đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Trạm Y tế xã Yên Mỹ (Ý Yên) khám, chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi.
Trạm Y tế xã Yên Mỹ (Ý Yên) khám, chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi.

Toàn tỉnh hiện có 531.759 trẻ em (chiếm 26,5% dân số của tỉnh); trong đó có 4.511 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp đã chỉ đạo, tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, như: Tọa đàm, giao lưu, diễn đàn cho trẻ em với các chủ đề “Hãy nghe trẻ em nói”, “An toàn hôm nay, bền vững tương lai”, “Trẻ em nghèo, mối quan tâm của chúng ta”; thực hiện chiến dịch truyền thông về “Phòng, chống lạm dụng trẻ em”, kỹ năng giáo dục trẻ vị thành niên, “Hãy hành động vì bé gái”, “Tình bạn - tình yêu và gìn giữ nhân cách tuổi học trò”… Toàn tỉnh đã in và cấp phát đến cộng đồng 15 nghìn tập tài liệu tập huấn, 8.000 cuốn “Bản tin tư pháp”, 10 nghìn tờ rơi tuyên truyền, 9.000 tờ rơi về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em…, 10 nghìn cuốn “Sổ tay về trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, 300 tập đề cương tuyên truyền pháp luật có lồng ghép nội dung về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Các sở, ngành, đoàn thể và địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc cho nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn về quyền trẻ em tại 109 xã cho gần 14 nghìn chủ hộ có trẻ em. Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy học đường, tập huấn công tác y tế trong trường học; phòng, chống tai nạn thương tích đối với trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại một số nhà trường. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước tỉnh năm 2019 với sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên cùng các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố Nam Định. Công an tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình “Cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tới trường giai đoạn 2019-2022”; tổ chức hội nghị truyền đạt các kỹ năng mềm về phát hiện khả năng và định hướng tương lai cho trẻ em là con em cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất cho giáo dục được quan tâm đầu tư; việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện được đẩy mạnh, tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi ngày càng tăng và được duy trì phổ cập; 100% các xã, phường, thị trấn đã bố trí điểm vui chơi cho trẻ em. Công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngày càng được cải thiện. Các chỉ số về trẻ em suy dinh dưỡng, tử vong ở trẻ em đều giảm; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; trên 90% trẻ em khuyết tật được khám, chữa bệnh, được phẫu thuật miễn phí và phục hồi chức năng, được chăm sóc bằng nhiều hình thức khác nhau; tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích đặc biệt là tử vong do đuối nước, trẻ em vi phạm pháp luật ngày càng giảm. Ở các huyện, thành phố, phong trào dạy bơi cho học sinh được các địa phương tích cực triển khai. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, huyện Hải Hậu phát động phong trào “Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước”. UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn, trường học đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tập luyện môn bơi; tổ chức dạy bơi cho trẻ em và cộng đồng; các giải bơi và hội thi cứu đuối học sinh, thanh thiếu niên và nhân dân trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, thị trấn, trường học... Rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp phòng ngừa kịp thời; đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão. Dự tính hè năm 2019, toàn tỉnh có gần 10 nghìn học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được dạy bơi. 

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng tình trạng thương tích ở trẻ em diễn biến phức tạp. Theo kết quả tổng hợp báo cáo của các huyện và thành phố năm 2018, có 287 trẻ em bị tai nạn thương tích, có 28 trẻ em bị tử vong, trong đó 24 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước; 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 75 vụ tai nạn thương tích trẻ em, có 19 trẻ em bị tử vong, trong đó 12 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 13 vụ, 15 trẻ em bị xâm hại tình dục, sức khỏe. Bên cạnh đó, một số ít địa phương, việc bố trí các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em còn hạn chế; hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận trẻ em đến các điểm internet truy cập vào những nội dung không lành mạnh nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời; tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả. Việc trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chủ yếu dựa vào nguồn vận động và mới tập trung vào hoạt động giúp đỡ vật chất; các dịch vụ trợ giúp trẻ em chưa đồng bộ và thiếu điều kiện ngăn chặn nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như bị xâm hại, bị lạm dụng, bị bỏ rơi. Đặc biệt, những vụ việc trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng nhưng gia đình không tố giác hoặc không hợp tác cung cấp thông tin với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc.

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục cụ thể hóa và nâng cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hành động vì trẻ em, trọng tâm là các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật; tạo dư luận, kiên quyết đấu tranh với những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. Chú trọng giáo dục kiến thức kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục, tổ chức dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em để phòng, chống đuối nước; triển khai các giải pháp, nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Huy động các nguồn lực thực hiện các mục tiêu về trẻ em, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quyền trẻ em, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com