Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian qua Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên, các đơn vị liên quan, các địa phương, triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng chọn mua hoa quả tại siêu thị ở Thành phố Nam Định. |
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 11.246 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Do phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, sản xuất theo thời vụ, tại hộ gia đình, nên công tác quản lý an toàn thực phẩm khó khăn. Thời gian gần đây, số lượng bếp ăn tập thể tăng nhanh; nhiều cơ sở có số lượng lớn người ăn; một số doanh nghiệp nhận cung cấp dịch vụ suất ăn từ bên ngoài nên việc kiểm soát khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Nhằm tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã xây dựng, triển khai Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung cao độ vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019. Các ngành tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm gồm: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương có quy chế phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cũng kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ đạo triển khai các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm, tập trung vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn để chuyển tải thông tin đến các nhóm đối tượng ưu tiên; truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể với các hình thức nói chuyện, hội thảo… Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã chăng treo 571 băng rôn, khẩu hiệu, 383 tranh, áp phích, phát 12.604 tờ gấp về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; phát 20 băng đĩa hình, 271 băng đĩa âm tuyên truyền thông điệp đảm bảo “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019; tổ chức 5 đợt truyền thông lưu động về đảm bảo an toàn thực phẩm và dịch tả lợn châu Phi; 48 hội nghị truyền thông trực tiếp với 2.950 người tham dự; 43 lớp tập huấn về công tác an toàn thực phẩm cho hơn 2.400 người làm việc tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 54 buổi nói chuyện chuyên đề an toàn thực phẩm với hơn 2.500 người tham dự. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019; tổ chức diễu hành hưởng ứng Tháng hành động tại các tuyến phố chính của Thành phố Nam Định. Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh vận động các huyện, thành Hội xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Sở Y tế thực hiện mô hình điểm đảm bảo an toàn thực phẩm khu du lịch, lễ hội và kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ đông người tại huyện Mỹ Lộc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 23 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực… Thông qua đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống ý thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện tốt bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Toàn tỉnh đã thành lập 245 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm, gồm: 3 đoàn cấp tỉnh, 10 đoàn của các huyện, thành phố, 229 đoàn của các xã, phường, thị trấn; tổ chức thanh tra, kiểm tra 2.618 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Trong đó, riêng 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh đã kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm địa bàn Thành phố Nam Định và các huyện: Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Trực Ninh, Ý Yên. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, nội dung kiểm tra tập trung, đánh giá việc triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 và Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm tại từng địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của các ngành, đoàn thể và cộng đồng. Nhận thức của lãnh đạo quản lý đến người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng đã được nâng lên. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đã ý thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện tốt bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cũng cho thấy một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ. Công tác quản lý an toàn thực phẩm từ nuôi trồng, vận chuyển, bảo quản, chế biến và kinh doanh thực phẩm chưa đồng bộ. Thành phố Nam Định chưa có khu giết mổ tập trung. Nhiều đơn vị còn vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 391 cơ sở vi phạm, trong đó: 172 cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 165 cơ sở vi phạm điều kiện về con người; 27 cơ sở vi phạm về ghi nhãn thực phẩm; 13 cơ sở vi phạm về chất lượng sản phẩm thực phẩm; 11 cơ sở vi phạm về công bố sản phẩm… Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã quyết định xử phạt 56 cơ sở, với tổng số tiền phạt 176 triệu đồng; yêu cầu 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khắc phục về nhãn hàng hóa; yêu cầu 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiêu hủy 10 loại sản phẩm; nhắc nhở 335 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian tới các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập huấn kiến thức, ký cam kết thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm với chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm các cấp. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm./.
Bài và ảnh: Minh Tân