Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định hoạt động dạy nghề giúp cho hội viên nông dân tiếp cận được kiến thức, ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, hàng năm Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. Từ năm 2013-2018, các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức 89 lớp cho 2.912 lượt người; phối hợp tổ chức 367 lớp cho 12.105 lượt người; giới thiệu việc làm cho trên 8.000 lượt người. Học viên tham gia lớp dạy nghề được tiếp thu những kiến thức theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn. Sau thời gian học nghề, các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất lớn có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3,5-7 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các cấp Hội tiếp tục phối hợp, liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân. Từ năm 2015, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đi vào hoạt động, được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo cho chương trình dạy nghề cho hội viên nông dân trong tỉnh. Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức hàng chục lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho hàng trăm lao động với các nghề trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản. Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố dạy nghề cho hàng nghìn lượt người, sau học nghề có 85% học viên tìm được việc làm ổn định.
Sau khi tham dự lớp dạy nghề kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, nông dân xã Điền Xá (Nam Trực) đã áp dụng thành công vào phát triển kinh tế gia đình. |
Để công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân đạt hiệu quả, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, giá cả… Hội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức hội thảo, tập huấn... nhằm chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong trồng trọt và chăn nuôi cho hội viên nông dân. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Tiêu biểu như: Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Thành, xã Minh Thuận (Vụ Bản); Tổ hợp tác trồng hoa - cây cảnh xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc); Hợp tác xã trồng hoa cây cảnh xã Nam Phong (Thành phố Nam Định); Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Tổ hợp tác trồng cây dược liệu đinh lăng xã Hải An (Hải Hậu); Tổ hợp tác dịch vụ vật tư nông nghiệp xã Giao Phong (Giao Thuỷ). Thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao được giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Thực hiện Đề án số 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã thành lập được 20 tổ Hội nghề nghiệp với 245 thành viên tham gia, là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân. Cùng với đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phát động sâu rộng tới cán bộ, hội viên, nông dân. Qua đó đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để phát triển sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Từ thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến với mô hình, cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như các ông: Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu) với mô hình chăn nuôi V.A.C tổng hợp; Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) với mô hình nuôi cá trắm đen; Nguyễn Văn Sơn, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) với mô hình nuôi “cá bống bớp”… Ngoài ra, các cấp Hội còn tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó đã nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, ký kết chương trình phối hợp và tín chấp cho nông dân vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Đến cuối năm 2018, dư nợ tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 8.975 tỷ đồng cho 54.631 hộ vay; dư nợ nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.064 tỷ đồng cho 41.135 hộ vay. Riêng với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, 5 năm qua Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ cho 3.826 hội viên vay với số vốn 78 tỷ 640 triệu đồng thông qua 119 dự án. Các dự án sau khi được vay vốn đã đem lại hiệu quả kinh tế cho hội viên nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.
Việc chủ động và tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên đã góp phần nâng cao vai trò của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững./.
Bài và ảnh: Lam Hồng