Thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 16-7-2018 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 16-7-2018 của UBND tỉnh về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án sáp nhập Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Phong và Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh thành Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh.
Học viên học nghề tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. |
Sau khi sáp nhập, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng tổ chức, tiếp nhận, quản lý chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng người có công với cách mạng và thực hiện chế độ chính sách, tiêu chuẩn đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công thuộc phạm vi quản lý; tổ chức nuôi dưỡng, điều trị; phục hồi chức năng cho con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật không có khả năng tự sinh hoạt... Sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy của Trung tâm giảm từ 6 phòng xuống còn 3 phòng so với trước đây. Năm 2018, tổng biên chế được giao của 2 Trung tâm là 65 người (Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh: 39 người, Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Phong: 26 người). Đến năm 2021, thực hiện tinh giản 10% so với số biên chế được giao năm 2015. Như vậy, sau khi tổ chức hợp nhất bộ máy tổ chức Trung tâm, số lượng người làm việc tại Trung tâm là 61 người, giảm 9 người so với biên chế giao năm 2015. Căn cứ số lượng người có mặt thực tế, Giám đốc Trung tâm sẽ tổ chức lại nhân sự hiện có đảm bảo nguyên tắc: Số lượng viên chức, người lao động của mỗi phòng chức năng được xác định theo vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế phải đảm nhiệm. Đảm bảo tất cả các phòng đều có người phụ trách, không bỏ sót nhiệm vụ được giao, không chồng chéo nhiệm vụ giữa các phòng chuyên môn.
Quý I năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành việc xây dựng Đề án sáp nhập Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Trước khi sáp nhập, Trung tâm Bảo trợ xã hội (từ năm 2013) và Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật (từ năm 2012) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 789 đối tượng bảo trợ xã hội tập trung và các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, hai đơn vị đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề… cho 218 đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ khuyết tật. Sau khi sáp nhập Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh có chức năng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho người có nhu cầu theo quy định của pháp luật; dạy nghề, phục hồi về trí tuệ, khả năng giao tiếp cho trẻ khuyết tật còn khả năng lao động, còn khả năng tiếp thu nghề để hoà nhập cộng đồng. Tổ chức bộ máy gồm 7 phòng chức năng, 59 cán bộ, công nhân viên. Về lộ trình Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đi vào hoạt động từ 1-7-2019.
Đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành xây dựng 3 Đề án theo Nghị quyết 19, hướng đến giảm biên chế công chức, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo lộ trình, bảo đảm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế giao năm 2015; giảm số lượng cấp phó của các đơn vị trực thuộc. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước./.
Bài và ảnh: Việt Thắng