Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/HU ngày 17-3-2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển giai đoạn 2016-2020”, đến nay tất cả 18 xóm ở xã Hải Quang (Hải Hậu) đã được công nhận “Xóm nông thôn mới bền vững và phát triển”.
Đạt được thành tích trên, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, lấy xóm, hộ dân làm hạt nhân và nòng cốt, người dân là chủ thể trong việc đóng góp xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi. Các gia đình chăm lo chỉnh trang khuôn viên, nhà ở, ao vườn, ngõ xóm, phát triển ngành nghề. Nhờ phát huy tốt nội lực, sự đồng thuận trong nhân dân, xã Hải Quang đã tạo đột phá trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển”. Đồng chí Phạm Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Hải Quang cho biết: Xã tập trung chỉ đạo các xóm họp bàn, tổ chức ký giao ước thi đua hàng tháng, hàng quý; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các phong trào. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã chủ trì, phát động các phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển”; “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”; “Xóm văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”. Hội Cựu chiến binh xã thực hiện phong trào “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu xây dựng nông thôn mới”, vận động hội viên và nhân dân chỉnh trang khuôn viên nhà ở. Hội Nông dân xã vận động hội viên đóng góp công sức, tiền của hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng. Hội Phụ nữ xã vận động hội viên trồng hoa, cây xanh ven đường, thực hiện công tác vệ sinh môi trường; đẩy mạnh phong trào “5 không”, “Phụ nữ tiết kiệm tham gia bảo hiểm y tế gia đình”. Đoàn Thanh niên đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ tình nguyện”, “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội”... Thực hiện Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư ở Hải Quang được phát huy, an ninh nông thôn được giữ vững. Năm 2018, xã huy động được 7,8 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các công trình, điện đường, trường trạm; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 0,4 tỷ đồng, ngân sách của xã 2 tỷ đồng. Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huy động sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân; trong đó con em xa quê ủng hộ 4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,4 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp gần 60km đường giao thông nông thôn; trong đó cứng hóa 8,6km đường trục chính, bê tông hoá 10km đường liên xóm, cứng hoá 36 đường nội đồng; hệ thống 34,45km sông, kênh mương được nạo vét, kiên cố hoá. Ngoài việc xây mới trường tiểu học (quy mô 12 phòng) kinh phí hơn 6 tỷ đồng (năm 2017), năm 2019, xã tiếp tục xây dựng trường trung học cơ sở (quy mô 15 phòng) kinh phí gần 9,9 tỷ đồng. Đến nay, các trục đường dong xóm, nội đồng đều được lắp điện đường chiếu sáng, hai bên trồng các loại hoa: mười giờ, tường vi và các loại cây bóng mát. Ở Hải Quang, những “con đường hoa” do Hội Phụ nữ xã đảm nhiệm là “điểm sáng” trong phong trào xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu của huyện. Xã có 4 tuyến đường hoa kiểu mẫu ở các đường dong liên xóm: 14-15, 14-18, 12-13. Định kỳ vào ngày 30 hàng tháng, các chi hội phụ nữ tổ chức cho hội viên thực hiện vệ sinh môi trường trong gia đình, khu dân cư. Trong phát triển kinh tế, xã xây dựng mô hình 20 mẫu sản xuất lúa sạch liên kết ở xóm 10 và xóm 13; năng suất lúa bình quân đạt hơn 128 tạ/ha/năm. Xã tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang nuôi trồng các giống cá truyền thống như: trắm, trôi, mè, lóc bông… và các loại cây ăn quả, cây dược liệu: đinh lăng, sen, gừng… cho hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy nội lực của địa phương, xã tập trung phát triển ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân. Trên địa bàn xã hiện có gần 200 hộ kinh doanh các ngành nghề như: cơ khí (8 xưởng), may (7 xưởng), mộc (12 xưởng), kinh doanh vận tải (15 hộ), trồng nấm, thu mua chế biến dược liệu (20 hộ)… Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 0,43%. Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hiện cả 18 xóm trong xã được công nhận danh hiệu “Xóm văn hoá”; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 95%; 3 trường học, 1 trạm y tế đạt chuẩn nếp sống văn hoá. Việc thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội được nhân dân thực hiện nghiêm túc. Việc huy động nguồn lực xây dựng thiết chế văn hoá được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Xã đã xây dựng, hoàn thiện nhà văn hoá trung tâm, 18 nhà văn hoá xóm, 3 sân thể thao liên khu ở các miền: Thống Nhất, Sơn Hà, Tiền Phong với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Hàng năm, nhân dịp các ngày lễ, tết, kỷ niệm của đất nước, xã đều tổ chức các cuộc thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, thể thao quần chúng thu hút đông đảo người dân trong xã tham gia, hưởng thụ.
Thời gian tới, xã Hải Quang tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa về nhận thức và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững của 19 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt được, nhất là các tiêu chí về: môi trường, giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế... Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự tham gia của người dân để thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2023./.
Khánh Dũng