Tạo công khai, minh bạch trong giá bán lẻ điện

08:05, 07/05/2019

Trước những phản ánh của người dân về việc thu tiền điện và điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 20-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân cũng là nội dung đang được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi. Nhiều quan điểm cho rằng, điều quan trọng nhất để tạo được sự đồng thuận của người dân khi có quyết định điều chỉnh giá điện là phải làm rõ chi phí cấu thành giá điện, cũng như cần xóa bỏ cơ chế bù chéo trong giá điện...

Công nhân ngành điện lực tiến hành sửa chữa trên lưới điện. Ảnh: VIỆT HẠNH
Công nhân ngành điện lực tiến hành sửa chữa trên lưới điện. Ảnh: VIỆT HẠNH

Làm rõ chi phí tính giá điện

Bộ Công thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2017/QÐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, nội dung chi phí giá điện được Bộ Công thương đề xuất tính toán như sau: "Giá bán điện bình quân hằng năm được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành, chi phí khác được phân bổ và lợi nhuận định mức của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành”. Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ: “Tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá bán điện bình quân hiện hành được tính toán phân bổ vào giá điện năm bao gồm chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện và các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành”.

Góp ý về nội dung này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo đề cập chưa rõ về các chi phí tính giá điện bình quân hiện hành. Cụ thể “các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành” là chi phí gì và sẽ được thực hiện theo những quy định nào? VCCI cũng cho rằng, để tránh việc có những chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện thì cơ quan soạn thảo phải làm rõ nguyên tắc chỉ những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện thì được tính vào giá điện. Các khoản chi phí cho những công việc không ảnh hưởng đến việc vận hành, cung ứng điện trong ngắn hạn lẫn dài hạn cần được loại ra khỏi giá điện.

Ngoài việc đề nghị làm rõ các yếu tố chi phí cấu thành giá điện, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai phương án giá điện trước khi tăng. Theo đó, các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành. Bởi VCCI cho rằng, hiện nay, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Ðiều này khiến nhiều doanh nghiệp sử đụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

Cần xóa bỏ cơ chế bù chéo giá điện

Trên thực tế, trong điều hành giá điện, vấn đề mà dư luận cũng như chuyên gia quan tâm nhất không chỉ là giá điện cao hay thấp mà là tính minh bạch trong cơ cấu giá điện. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, điều người dân và doanh nghiệp cần là giá điện hợp lý. Hiện nay, điều băn khoăn nhất trong cách tính giá điện là vẫn còn có cơ chế bù chéo. Ðiện công nghiệp chịu mức giá 6,8 cent/kWh, trong khi điện sinh hoạt chịu 8,7 cent/kWh, kinh doanh dịch vụ trả 10 cent/kWh. Trong khi đó, các ngành công nghiệp đang tiêu thụ khoảng 50% tổng lượng điện, còn lại là điện dành cho sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ… "Người dân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đang phải bù giá điện cho sản xuất công nghiệp, như vậy là không công bằng. Chúng ta cần phải sửa Luật Ðiện lực với việc bỏ cơ chế bù chéo để khuyến khích sử dụng hiệu quả điện. Ngành điện đã vận hành theo cơ chế thị trường, các ngành khác cũng phải theo cơ chế thị trường” - ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh. Cùng với đó, theo ông Cấn Văn Lực, ngành điện cần minh bạch hoá cả đầu vào, đầu ra. Khi có sự công bằng, minh bạch trong giá điện, người dân, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đồng thuận với các lần điều chỉnh giá điện.

Có cùng cách nhìn nhận, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn cho rằng, giá điện cho sản xuất của Việt Nam quá thấp, nên các nhà đầu tư đổ xô đến đầu tư để tận dụng giá điện rẻ, nhất là trong các lĩnh vực tiêu tốn điện năng như thép, xi măng,… Cùng với đó, ông Nguyễn Thành Sơn cũng nhấn mạnh, hiện nay người dân, doanh nghiệp rất băn khoăn về cách tính giá điện, do đó, các đơn vị cần minh bạch hơn trong vấn đề giá điện để người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu.

Liên quan tới vấn đề minh bạch trong giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Ðiều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho hay, đối với việc công khai minh bạch trong kinh doanh điện, hiện nay trên trang web của Bộ Công thương đã đăng tải đầy đủ những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh điện, khách hàng mua điện và người dân có thể truy cập vào để biết chi phí thực tế của ngành điện. Bên cạnh đó, đối với chi phí sản xuất kinh doanh điện của ngành điện, cụ thể là EVN, hằng năm theo Quyết định số 24, Bộ Công thương yêu cầu EVN và các đơn vị thành viên phải kiểm toán trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các báo cáo này đều được thực hiện bởi các đơn vị kiểm toán độc lập, chủ yếu là của quốc tế. “Chỉ những chi phí nào liên quan đến giá thành sản xuất, kinh doanh điện mới được tính toán vào giá thành sản xuất điện. Các chi phí không nằm trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh điện sẽ không được tính vào giá thành” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Cũng liên quan tới sự minh bạch trong giá điện, trước những phản ánh, bức xúc của người dân về việc thu tiền điện và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36% từ ngày 20-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng - sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019.

 Bộ Công thương cũng đã quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra để kiểm tra về tình hình thực hiện Quyết định số 648/QÐ-BCT ngày 20-3-2019 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện; công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện trong thời gian qua; tình hình thực hiện công tác tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng sử dụng điện. Ðối tượng được kiểm tra bao gồm các tổng công ty điện lực và một số khách hàng sử dụng điện. Thời gian kiểm tra từ ngày 8-5 đến ngày 10-5-2019./.

VŨ DUNG (Báo QÐND)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com