Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh những thanh niên xung phong ngày nào không sợ hy sinh, gian khổ, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc vẫn mãi khắc ghi trong lòng bao thế hệ. Để tri ân sự cống hiến ấy, thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh đã quan tâm hỗ trợ giải quyết các chế độ, chính sách cho hội viên, từ đó góp phần động viên tinh thần, hỗ trợ các cựu thanh niên xung phong cùng gia đình có cuộc sống ổn định hơn.
Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Ý Yên thường xuyên đến thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn. |
Chúng tôi đến thăm cựu thanh niên xung phong Trần Thị Thu, sinh năm 1951, ở số nhà 263, đường Hoàng Văn Thụ (Thành phố Nam Định). Trong căn nhà tuềnh toàng, bà Thu vui vẻ kể về một thời tuổi trẻ sống, chiến đấu trên những cung đường nguy hiểm: “Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được phân về đơn vị B64TD572, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Mặc dù sinh hoạt và làm nhiệm vụ trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn nhưng những thanh niên xung phong chúng tôi ngày đó không hề sợ hãi, nản lòng. Chúng tôi luôn khắc ghi khẩu hiệu “Sống bám đường, bám cầu, chết kiên cường dũng cảm”". Năm 1974, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cựu thanh niên xung phong Trần Thị Thu trở về địa phương. 4 năm đi mở đường ở những nơi “rừng thiêng nước độc” để lại cho bà Thu nhiều di chứng, bệnh tật. Những ngày “trái gió, trở trời”, cơ thể bà thường xuyên nhức mỏi, tai và mắt có biểu hiện ngày càng kém. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Thu không có nhiều điều kiện đi khám chữa bệnh cũng như nâng cao đời sống vật chất. Chia sẻ với hoàn cảnh của bà Thu, năm 2015, Hội Cựu Thanh niên xung phong Thành phố Nam Định đã xem xét và lập hồ sơ đề nghị cho bà được hưởng trợ cấp 1 lần. Tuy số tiền trợ cấp không nhiều nhưng là nguồn động viên giúp bà vươn lên trong cuộc sống. Còn với cựu thanh niên xung phong Dương Thị Chảo, sinh năm 1951, ở xã Yên Nhân (Ý Yên) tham gia thanh niên xung phong từ tháng 8-1968 thuộc đơn vị C2, đội 227 làm nhiệm vụ mở đường ở khu vực Quảng Bình, Nghệ An. Đến tháng 4-1972, bà Chảo được trở về địa phương. Mặc dù đã làm rất nhiều công việc để mưu sinh, song cuộc sống hiện tại của bà Chảo đang gặp nhiều khó khăn. Không gia đình, không con cái, bản thân bà thường xuyên đau ốm, ở trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của bà, Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Ý Yên đã quan tâm hướng dẫn bà Chảo làm các thủ tục để giải quyết chế độ chính sách. Nhờ đó bà Chảo được hưởng chế độ trợ cấp với mức 540 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, bà còn được Quỹ Từ thiện Công đoàn ngành Giao thông Vận tải hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng từ năm 2013 cho đến khi qua đời.
Theo báo cáo của Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, toàn tỉnh hiện có 12.500 hội viên. Những năm qua, nhiều cựu thanh niên xung phong đã được các cấp Hội quan tâm, đề xuất hưởng các chế độ chính sách đãi ngộ của Nhà nước theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, năm 2018, toàn tỉnh đã thẩm định, xét duyệt bổ sung 150 trường hợp cựu thanh niên xung phong được hưởng chế độ, nâng tổng số người đã được hưởng chế độ là 3.360 người; trong đó trợ cấp hàng tháng là 105 trường hợp, trợ cấp 1 lần 1.994 trường hợp, trợ cấp thân nhân của cựu thanh niên xung phong đã từ trần được 1.261 trường hợp. Theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg có 110 trường hợp được xét duyệt, nâng tổng số trường hợp được hưởng đến nay lên 218 người. Ngoài ra, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác minh những trường hợp cựu thanh niên xung phong quê hương Nam Định đang hưởng chế độ ở nơi khác. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cựu thanh niên xung phong vẫn chưa được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước. Cụ thể, toàn tỉnh hiện còn tồn đọng 508 hồ sơ thương binh đã được giám định thương tật nhưng chưa được giải quyết theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công (hồ sơ thương tật đã giám định và hồ sơ liệt sĩ) được xác minh; còn trên 200 hồ sơ bao gồm trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần và trợ cấp của thân nhân thanh niên xung đã từ trần theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; còn 713 hồ sơ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Việc giải quyết các chế độ chính sách cho cựu thanh niên xung phong còn chậm do nhiều nguyên nhân: thời gian cựu thanh niên xung phong về quê hương đã quá lâu, không còn giấy tờ gốc, yêu cầu trong hồ sơ phải có giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi cư trú trước khi tham gia, trong khi nhiều cựu thanh niên xung phong đã di chuyển nơi ở, nhiều người đi làm ăn xa đã lâu nên việc đi lại xác minh gặp không ít khó khăn. Đối tượng thanh niên xung phong đề nghị xét hưởng chế độ đa số đã già yếu, trí nhớ kém nên kê khai không rõ ràng, gây khó khăn trong việc lập hồ sơ đề nghị. Ngoài ra đến nay còn một số đơn vị thanh niên xung phong chưa được công nhận phiên hiệu và một số đơn vị chưa xác định được có phải là đơn vị thanh niên xung phong hay không, dẫn đến việc xác minh, xác nhận gặp nhiều khó khăn... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội Cựu Thanh niên xung phong còn thiếu, trình độ còn hạn chế, các cơ sở Hội cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác hoạt động, nhiều cơ sở không có địa điểm nơi thường trực nên cựu thanh niên xung phong khó gặp để tìm hiểu và nắm bắt các thông tin về chính sách.
Lực lượng thanh niên xung phong đóng vai trò quan trọng trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Giải quyết chế độ chính sách, đảm bảo cuộc sống cho cựu thanh niên xung phong là việc làm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thời gian tới, để làm tốt công tác giải quyết chế độ chính sách cho cựu thanh niên xung phong, các cấp Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, thẩm định giải quyết chế độ đối với cựu thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đối với những người kê khai là cựu thanh niên xung phong mà chưa được giải quyết chế độ, Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh chỉ đạo Hội cấp huyện rà soát, hướng dẫn làm hồ sơ nộp lên cấp trên. Đồng thời, Hội chủ động kết nối với các cựu thanh niên xung phong là nhân chứng lịch sử và chính quyền địa phương để xác minh các trường hợp có phải là cựu thanh niên xung phong hay không; đề xuất, giải quyết và xử lý các trường hợp vướng mắc; tích cực tìm kiếm, thu thập thông tin bổ sung hồ sơ; phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên và gia đình cựu thanh niên xung phong đã từ trần kê khai hồ sơ, xác minh, xác nhận không để xảy ra sai sót, đảm bảo các cựu thanh niên xung phong có đủ tiêu chuẩn điều kiện được xem xét để hưởng chế độ chính sách của Nhà nước theo quy định./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân