Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ động kế hoạch, phương án phòng chống để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản, an toàn công trình trong mùa bão, lũ.
Xử lý sự cố kè Cồn Tròn thuộc tuyến đê biển Hải Hậu. |
Trong tháng 4-2019, Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố phân loại nhà ở và thống kê các công trình có thể sử dụng làm nơi sơ tán người, tập kết phương tiện, vật tư; tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình trụ sở Nhà nước, doanh nghiệp, nhà tư nhân... để lập kế hoạch sơ tán nhân dân khi có bão, lũ tương ứng với các phương án ứng phó theo kịch bản tình huống thiên tai của các địa phương. Sở cũng lập phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả tương ứng theo các kịch bản thiên tai (bão, bão mạnh, siêu bão và lũ) của ngành với các nội dung như: phương án huy động trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ; phương án phòng, chống bão, lũ cho các công trình xây dựng dở dang, công trình xây dựng có sử dụng tháp cẩu, công trình cao tầng; đảm bảo an toàn trong lắp đặt bồn, bể nước chế tạo sẵn cho nhà và công trình; phương án phòng, chống bão và khắc phục hậu quả đối với cây xanh đường phố, hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cấp nước sạch. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát đánh giá thực trạng lực lượng, phương tiện, vật tư… và đề xuất bổ sung trang bị vật tư, phương tiện cần thiết của đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Đối với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Sở yêu cầu chủ động kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, xây dựng phương án phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn cho công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trong mùa lũ bão. Đối với những công trình đang thi công, các chủ đầu tư, ban quản lý các dự án, đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công xây dựng phải thường xuyên kiểm tra trên công trường, bảo đảm các thiết bị làm việc trên cao như giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng… được liên kết chắc chắn với kết cấu công trình; đặc biệt lưu ý công tác an toàn điện, an toàn thiết bị và máy thi công; phải tháo dỡ hoặc hạ thấp độ cao các loại vật liệu, trang thiết bị nếu cần thiết. Yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa và nâng cấp, gia cố các công trình đang xây dở, xác định điểm dừng thi công đúng yêu cầu kỹ thuật an toàn trong mưa bão. Sắp xếp vật tư, thiết bị trên công trường gọn gàng, không gây cản trở giao thông, đường thoát hiểm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư xem xét định kỳ hoặc đột xuất kế hoạch tổng hợp về đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng để điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế thi công trên công trường, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của nhà thầu. Chủ sở hữu những công trình nhà ở đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn; phải yêu cầu định kỳ kiểm tra, có phương án kế hoạch sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn cho người và tài sản, có phương án sơ tán các hộ dân khỏi những căn nhà có nguy cơ sụp đổ do thiên tai đến nơi an toàn khi cần thiết. Đối với công trình nhà bán kiên cố, Sở Xây dựng yêu cầu UBND các huyện, Thành phố Nam Định, Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố và UBND các xã tuyên truyền, hướng dẫn cách gia cố và phòng chống thiên tai tới các khu dân cư để phòng ngừa rủi ro do thiên tai gây ra đối với người và tài sản. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật về cấp, thoát nước, yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát các quy hoạch thoát nước và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của các đô thị nhằm đảm bảo việc phân vùng thoát lũ, đảm bảo chống ngập úng đô thị. Kiểm tra kế hoạch duy tu, bảo trì và nạo vét hệ thống tiêu thoát nước chính tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ và chủ động xây dựng các giải pháp kỹ thuật khắc phục, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Kiểm tra công tác đảm bảo lưu thông dòng chảy, đặc biệt là việc triển khai và kiểm soát thoát nước tại các lưu vực sông. Các đơn vị quản lý, sử dụng công trình dạng tháp, trạm BTS chủ động kiểm tra, đánh giá và gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn công trình; tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao không đảm bảo an toàn khi có mưa bão và có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi cần thiết.
Thực hiện phân công phụ trách địa bàn của UBND tỉnh, Sở Xây dựng chủ động phối hợp với huyện Trực Ninh xây dựng các phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, nhà cửa, công trình trên địa bàn huyện theo phương châm “4 tại chỗ” trên nguyên tắc “phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”; đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an toàn các tuyến đê, kè, cống, các trọng điểm xung yếu phòng chống thiên tai trên địa bàn. Hiện, vật tư dự trữ phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện đã được chuẩn bị và tập kết đầy đủ với 4.153m3 đá hộc tại 3 tuyến đê. Mỗi xã, thị trấn chuẩn bị 2.000 bao tải, có kế hoạch huy động 500 cây tre. UBND các xã, thị trấn có đê rà soát, chọn vị trí thuận lợi để khai thác 1.000m3 đất phục vụ hộ đê; quản lý, bảo vệ vật tư dự trữ phòng chống thiên tai tập kết tại địa phương; chủ động xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều trên địa bàn huyện như: kè Mặt Lăng, đê hữu sông Hồng đoạn từ K182+425 đến K183+020, Thị trấn Cổ Lễ, xã Trực Chính, kè Phượng Tường đoạn từ K6+067 đến K6+347, đê tả và đê hữu sông Ninh Cơ.
Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cấp, các ngành và sự phối hợp chủ động của người dân, Sở Xây dựng quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống bão lũ đã đề ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh, thi công ổn định và an toàn trong mùa mưa bão năm 2019./.
Bài ảnh: Đức Toàn