Tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019

08:04, 19/04/2019

Hiện nay, tình hình an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp: Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm diễn ra ở nhiều nơi; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không được kiểm soát chiếm tỷ trọng lớn... Để tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 là “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Mô hình trồng quất dược liệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Dược (Khu công nghiệp Hòa Xá, Thành phố Nam Định).
Mô hình trồng quất dược liệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Dược (Khu công nghiệp Hòa Xá, Thành phố Nam Định).

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 được phát động từ ngày 15-4 đến ngày 15-5-2019 nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, ngoài việc tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, hội thảo; 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp tỉnh được thành lập, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 6 huyện, thành phố theo kế hoạch. Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng liên quan tại địa phương thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 tập trung chuyển tải các thông điệp: “Sử dụng thực phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe toàn dân, đến giống nòi”; “Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng”; “Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng”; “Không sử dụng cồn công nghiệp để pha và sản xuất rượu cho người tiêu dùng”; “Vì sức khỏe người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản”; “Tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm”; “Lựa chọn thực phẩm, rau, thịt, thủy sản tươi sống sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, an toàn sức khoẻ”; “Để đảm bảo an toàn thực phẩm hãy ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng”; “Vì sức khỏe người tiêu dùng, hãy sản xuất ra những sản phẩm thực phẩm chất lượng, an toàn”… Cùng với công tác tuyên truyền, việc hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng được quan tâm nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cho người dân. Hiện tại, các doanh nghiệp của tỉnh đã xây dựng, phát triển 23 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của doanh nghiệp Toản Xuân với quy mô trên 1.000ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống, gạo Japonica (Nhật Bản) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân với quy mô trên 500ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Doanh 2.000 con/ngày; chuỗi sản xuất chế biến ngao sạch xuất khẩu của Tập đoàn Lenger; chuỗi rau sạch của Công ty Ngọc Anh; chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ dược liệu của các công ty dược trên địa bàn tỉnh; trứng gà Công Phượng 4,5 vạn quả/ngày... Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ cho Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh đưa Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định đi vào hoạt động từ tháng 11-2018, nhằm giới thiệu, cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cao đến với người dân. Tại đây, hàng trăm mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đảm bảo an toàn thực phẩm đã được đưa tới tay người tiêu dùng. Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh cũng đang khẳng định vai trò cầu nối quan trọng giúp phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh ổn định. Các hội viên trong Hiệp hội đã xây dựng và duy trì hiệu quả các chuỗi liên kết như: chuỗi rau, quả sạch sản xuất theo công nghệ cao (thủy canh, nhà lưới), hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Cổ phần Rau, củ, quả sạch Ngọc Anh; chuỗi sản xuất rau, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Cơ khí Đình Mộc; sản xuất chế biến tiêu thụ thịt lợn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành; trứng gia cầm sạch (trứng gà, vịt) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng; sản xuất chế biến muối an toàn của Công ty Cổ phần Muối và thương mại Nam Định... Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ hình thành các kênh liên kết, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn, giúp cho sản phẩm an toàn của tỉnh kết nối, đến được với người tiêu dùng. Cụ thể: Hỗ trợ 13 mô hình đầu tư mới các trang thiết bị trong bảo quản chế biến nông sản, thủy sản; xây dựng hỗ trợ 11 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, HACCP; tư vấn hướng dẫn cho 20 cơ sở xây dựng bản tự công bố chất lượng cho trên 35 sản phẩm các loại; hỗ trợ Hiệp hội thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và tem điện tử thông minh (QR code) để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chống gian lận thương mại. Hiện tại đã hỗ trợ xây dựng trên 500 nghìn tem QR Code cho 35 cơ sở phục vụ truy xuất nguồn gốc quảng bá giới thiệu tại Chương trình xúc tiến thương mại và khai trương Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh. Hỗ trợ quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh thông qua các hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh nhằm kết nối, hình thành được các kênh phân phối và tiêu thụ ổn định góp phần thúc đẩy sản xuất bền vững. Phối hợp với Hiệp hội chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tổ chức thành công Chương trình xúc tiến thương mại và khai trương Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh. Kết nối thương mại và quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch với 19 tỉnh, thành phố phía Bắc... Qua đó, hoạt động xúc tiến thương mại đã đạt hiệu quả cao; nhiều sản phẩm sạch, chủ lực của tỉnh như: Giò 7 phút Nam Phát, gạo sạch Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, thủy sản Hùng Vương, nước mắm Hải Thịnh, cá bống bớp Sơn Nguyệt, ngao sạch Lenger, muối Royal... đã được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh, thành phố trong khu vực như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Với nhiều giải pháp đồng bộ đã góp phần nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm; đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc “nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng”.

Thời gian tới các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; trong đó công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; kết quả điều tra, truy xuất và xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện; hiện trạng an toàn thực phẩm đối với từng loại và hướng dẫn, khuyến nghị cách ứng xử phù hợp cho người tiêu dùng. Thông tin quảng bá về các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, giới thiệu cho người dân địa chỉ cung cấp các sản phẩm an toàn có xác nhận và các điển hình tiên tiến về xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO, GMP, VietGAP...). Đẩy mạnh các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành theo chuyên đề. Qua đó, thực hiện tốt chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



các loại canxi hữu cơ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com