Với 96 cán bộ, hội viên, những năm qua, Hội Người mù Thành phố Nam Định đã đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên học nghề, tạo việc làm, vượt qua mặc cảm vươn lên hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Hàng năm, Thành hội tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, giới thiệu các lớp dạy chữ Braille, tổ chức cho các cán bộ, hội viên nghe băng đĩa, đọc Tạp chí Đời Mới bằng chữ nổi Braille, kết quả 61 hội viên được xóa mù chữ và học chữ nổi Braille. Phong trào văn hóa, văn nghệ của Hội Người mù thành phố được duy trì thường xuyên, như hội diễn liên hoan văn nghệ "Tiếng hát từ trái tim" do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát động... Trong hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Thành hội đã khảo sát cụ thể nhu cầu học nghề, vốn vay của từng hội viên phối hợp với các tổ chức, cá nhân dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho hội viên, đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn. Hiện có 117 lượt cán bộ, hội viên được vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực như chăn nuôi, làm nghề tăm tre, kinh doanh. Các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không có tình trạng nợ đọng vốn. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của người mù thành phố còn 12%.
Ông Trần Dương Ba, xã Nam Vân chăm sóc chó Poodle sinh sản. |
Điển hình như mô hình nuôi chó Poodle của ông Trần Dương Ba ở xã Nam Vân. Là người khiếm thị nhưng ông vẫn cần mẫn, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình. Được sự giúp đỡ của Hội Người mù Thành phố Nam Định, ông được vay số tiền 20 triệu đồng thông qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Từ số tiền được vay, ông mua 3 con chó Poodle, trong đó có 2 con chó cái và 1 con chó đực với giá 7-8 triệu đồng/con về nuôi thử, thấy dễ nuôi và phù hợp với năng lực bản thân, ông tiếp tục đầu tư thêm 2 con chó cái để nuôi sinh sản. Sau một năm nuôi thử nghiệm và thành công, giống chó Poodle sinh sản của gia đình ông Ba mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình từ 4-5 con. Với giá bán khoảng 2-2,5 triệu đồng/con, ước tính mỗi năm trừ chi phí, ông Ba thu lãi hàng chục triệu đồng. Ngoài phát triển hiệu quả kinh tế từ nguồn quỹ cho vay, ông Trần Dương Ba còn tích cực tham gia công tác Hội, giúp đỡ và chia sẻ với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển kinh tế. Một mô hình giúp đỡ hội viên khó khăn là cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội Người mù thành phố hiện duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 7 hội viên (trong đó có 4 nam và 3 nữ). Chị Đào Thị Tiến, nhân viên cơ sở xoa bóp, bấm huyệt Thành phố Nam Định chia sẻ: Với những người khiếm thị, tìm được một việc làm đã khó, có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định duy trì cuộc sống là niềm hạnh phúc. Chị được tổ chức Hội tạo điều kiện cho học nghề, giới thiệu làm việc tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của thành phố đã được gần 5 năm. Thu nhập mỗi tháng từ 3-4 triệu đồng, giúp chị trang trải cuộc sống. Hay anh Đoàn Văn Tuấn, hội viên Hội Người mù Thành phố Nam Định cho biết: "Được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Người mù thành phố tạo điều kiện cho anh theo học lớp xoa bóp bấm huyệt tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt Hà Nội. Sau gần 2 năm chịu khó học hỏi, anh được cơ sở của Thành Hội tiếp nhận vào làm việc và đào tạo thêm 3 tháng để anh có thể làm thành thục các kỹ năng của nghề. Qua hơn 10 năm tham gia hoạt động trong cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Thành Hội, giờ đây anh đã tích lũy được khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm để truyền nghề, giúp đỡ những học viên mới nuôi sống được bản thân, trợ giúp gia đình trong phát triển kinh tế... Ngoài ra, hàng năm, Thành Hội thường xuyên khảo sát, nắm tình hình đời sống hội viên người mù trên địa bàn, đề xuất với các tổ chức, nhà từ thiện quan tâm giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, thành phố đã có 4 hội viên được hỗ trợ xây, sửa nhà, trong đó 2 hội viên được tổ chức ADRA tài trợ với số tiền 20,7 triệu đồng/nhà, 1 hội viên do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng và Hội Người mù thành phố hỗ trợ sửa 1 nhà. Vào các dịp lễ, tết, Hội Người mù thành phố đã tặng hàng trăm suất quà trị giá trên 86 triệu đồng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Người mù Thành phố Nam Định cho biết: Những năm qua, Hội luôn là niềm tin, chỗ dựa tin cậy và trở thành mái nhà thứ hai của các hội viên. Hội cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động làm cho xã hội hiểu rõ hơn về những người khiếm thị và các hoạt động của Hội, giúp cho người khiếm thị dần có chỗ đứng trong xã hội. Bên cạnh đó, Hội còn đẩy mạnh công tác dạy chữ, dạy nghề, hướng dẫn cho người mù, nâng cao kiến thức để áp dụng vào lao động sản xuất...
Với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác chăm lo đời sống hội viên đã giúp nhiều hội viên vượt qua số phận, vươn lên ổn định cuộc sống. Thời gian tới, Hội Người mù thành phố tiếp tục đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng, phối hợp đẩy mạnh công tác dạy chữ, dạy nghề, kêu gọi, vận động thêm nguồn lực từ cộng đồng xã hội để tặng quà, sửa chữa nhà, hỗ trợ hội viên khó khăn. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cộng đồng, xã hội hiểu hơn về nguyện vọng, khả năng lao động, làm việc của người mù. Từ đó có sự quan tâm, chia sẻ, giúp đời sống của hội viên ngày một tốt hơn./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh