Lan tỏa tinh thần xung kích, tình nguyện

08:03, 22/03/2019

Những ngày gần đây, trên phạm vi toàn cầu xuất hiện một trào lưu với tên gọi gây chú ý “Challenge For Change” (tạm dịch là “Thách thức để thay đổi”).

Trào lưu này được cho là bắt nguồn từ việc ngày 5-3 vừa qua, một tài khoản mạng xã hội có tên Bai-rôn Rô-mân đã chia sẻ dòng trạng thái “thách thức những bạn trẻ đang buồn chán”, kèm theo hai tấm ảnh chụp cùng một thanh niên: tấm đầu tiên anh đứng cạnh đống rác thải ngổn ngang, tấm thứ hai anh đứng bên những bao rác đã được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh trống khởi động Tháng Thanh niên năm 2019.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh trống khởi động Tháng Thanh niên năm 2019.

Chỉ sau một thời gian ngắn, lời thách thức tưởng chừng rất đỗi “bâng quơ” đã trở thành trào lưu lớn trên toàn thế giới, thu hút sự hưởng ứng của hàng trăm nghìn thanh niên. Ở Việt Nam, trào lưu nêu trên cũng nhanh chóng được các bạn trẻ đón nhận. Thậm chí, công trình thu gom rác thải của một nhóm tình nguyện ở Đà Lạt đã được một số trang mạng uy tín bình chọn vào tốp những tấm ảnh đại diện cho “Thách thức để thay đổi”. Sự lan tỏa mạnh mẽ của “Thách thức để thay đổi” tại nhiều địa phương ở nước ta đã chứng minh rằng, giống hàng trăm triệu thanh niên cấp tiến trên thế giới, các bạn trẻ Việt Nam phần lớn đều có ý thức, trách nhiệm cao với cộng đồng nói chung, môi trường tự nhiên nói riêng. Tinh thần sẵn sàng xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Việt Nam là hoàn toàn vô điều kiện và phi lợi ích cá nhân. Không hề nằm trong khuôn khổ các chiến dịch rầm rộ hay cuộc vận động hoành tráng, chẳng cần tới băng-rôn, khẩu hiệu treo khắp nơi... các bạn trẻ chỉ đơn thuần là học tập và làm theo những điều đơn giản nhưng thiết thực, trực tiếp có lợi cho cộng đồng. Từ trước đến nay, những “cơn bão” trên mạng xã hội hiếm khi mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho cộng đồng như “Thách thức để thay đổi”. Từ những cá nhân yêu thiên nhiên nhỏ lẻ, các nhà hoạt động môi trường, trào lưu đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của nhiều tổ chức, câu lạc bộ tình nguyện trên toàn cầu. Là một tổ chức lớn đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của tuổi trẻ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tiếp nhận và đón bắt những trào lưu mới, xuất phát từ những ý tưởng hay, tạo hiệu ứng lan tỏa vượt qua biên giới một quốc gia và cả những bài học nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Trào lưu “Thách thức để thay đổi” chuyển tải thông điệp kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Năm nay, Tháng Thanh niên bước sang tuổi thứ 16, trào lưu nêu trên đáng để chúng ta cùng suy nghĩ: làm thế nào để tuyên truyền, giáo dục những người trẻ có nhận thức, biết nói “không” với các “cơn sốt”, trào lưu vô nghĩa, vô bổ đầy rẫy trên internet như hiện nay? Câu trả lời cho bài toán khó này phải chăng cũng chính là những trào lưu - nhưng đơn giản, thiết thực, phù hợp tâm lý của thanh niên trong thời đại mới?

Điểm yếu chung của chiến dịch, phong trào hay trào lưu là giới hạn về thời gian hoạt động, hay nói cách khác chính là không mang tính lâu bền. Vì vậy, bên cạnh việc sáng tạo, nhanh chóng lồng ghép tính thời sự vào các phong trào tình nguyện vì cộng đồng để thu hút thanh niên tham gia, tổ chức Đoàn cũng cần đặt vấn đề về đa dạng hóa phương pháp duy trì những hành động đẹp, từ đó dần tạo thành thói quen thường xuyên, liên tục, tại chỗ cho các bạn trẻ. Muốn đạt được thành quả ấy, đòi hỏi tinh thần nhiệt huyết, sự linh hoạt, sáng tạo không ngừng và quan trọng nhất là khả năng gần gũi, thấu hiểu thanh niên của các cán bộ Đoàn. Nếu không, những phong trào hành động của tuổi trẻ nói chung và các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng nói riêng mà các cấp bộ Đoàn đang dày công vun đắp dễ sa vào hình thức, sáo rỗng, chưa tạo được sức lan tỏa, chưa tập hợp cộng đồng rộng lớn mang tính bền lâu./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com