Phát huy vai trò của người cao tuổi trong các hoạt động văn hóa đầu xuân

08:02, 27/02/2019

Mỗi dịp đầu năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra hàng trăm lễ hội. Các lễ hội vừa mang yếu tố tín ngưỡng, vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, qua đó thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, trong đó người cao tuổi đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động lễ hội. Tại xã Kim Thái (Vụ Bản) nơi diễn ra lễ hội chợ Viềng từ ngày mồng 5 đến mồng 8 tháng Giêng hàng năm, người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động tế lễ, văn hóa văn nghệ; trong đó thi đấu cờ tướng được người cao tuổi tổ chức tạo sự hấp dẫn đặc biệt trong không khí dịp đầu năm. Câu lạc bộ cờ tướng của xã có 22 hội viên tham gia, hoạt động theo hình thức xã hội hóa, tự nguyện đóng góp kinh phí, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu với các câu lạc bộ bạn nhằm nâng cao trình độ. Nhiều hội viên tuy tuổi cao nhưng vẫn duy trì sinh hoạt thường xuyên như cụ Trần Văn Ba, 87 tuổi; Nguyễn Văn Hưng, 90 tuổi… Ông Nguyễn Hồng Đông, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kim Thái cho biết: Câu lạc bộ cờ tướng không chỉ là nơi để các hội viên giao lưu, thi đấu, thỏa mãn niềm đam mê cờ tướng mà còn mang tinh thần thể thao trong một cuộc đấu trí tuệ, đậm đà bản sắc dân tộc. Một hoạt động đặc sắc, mang đậm nét truyền thống của người cao tuổi xã Quang Trung (Vụ Bản) là lễ hội thi đấu cờ thẻ đầu xuân từ ngày mồng 2 đến mồng 4 Tết Nguyên đán. Theo đó, mỗi thôn, xóm chọn từ 1-2 cờ thủ đại diện để trực tiếp thi đấu với đội bạn. Các đội tham gia bốc thăm, đấu loại trực tiếp để chọn 2 đội xuất sắc vào chung kết. Ông Nguyễn Văn Duy, hội viên Hội Người cao tuổi xã Quang Trung cho biết, năm nào ông cũng cùng với các hội viên người cao tuổi trong xã tham gia thi đấu, các trận đấu giữa các đội lúc nào cũng hết sức gay cấn, hấp dẫn. Có những trận đấu căng thẳng giữa các cờ thủ kéo dài tưởng như bất phân thắng bại khiến khán giả vô cùng háo hức… Theo thống kê, hiện nay ở 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có hoạt động thi đấu, giao lưu cờ tướng, trong đó có khoảng 100 xã, phường, thị trấn thành lập được câu lạc bộ; trung bình mỗi câu lạc bộ có khoảng 10-15 người tham gia, lực lượng nòng cốt chủ yếu là người cao tuổi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số lễ hội thường xuyên tổ chức thi đấu cờ tướng, cờ người như: lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản), lễ hội Đền An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực)… thu hút nhiều người cao tuổi tham dự, cống hiến cho khán giả nhiều trận cờ hay, hấp dẫn. 

Người cao tuổi phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) tham gia nghi thức rước Nước, tế Cá tại lễ Khai ấn Đền Trần.
Người cao tuổi phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) tham gia nghi thức rước Nước, tế Cá tại lễ Khai ấn Đền Trần.

Trong hàng trăm lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm mới phải kể đến Lễ hội Khai ấn Đền Trần tại phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định). Đây là một trong những lễ hội được tổ chức với quy mô lớn và thu hút đông đảo du khách đến từ mọi miền Tổ quốc. Lễ hội Khai ấn Đền Trần được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Tiêu biểu như nghi thức rước Nước, tế Cá là nghi lễ quan trọng mang ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa nhân văn lịch sử nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần - vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới và gắn bó với sông nước. Bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 12 tháng Giêng, các nghi lễ trong lễ rước Nước và tế Cá được các cụ cao niên thực hiện bao gồm: dâng sớ, thỉnh chân nhang tại Đền Cố Trạch, rước kiệu ra giếng cổ, tiến hành nghi thức lấy nước. Sau nghi thức lấy nước, đoàn rước tổ chức tái hiện quăng chài, thả lưới… tại ao cạnh giếng cổ và rước Nước, rước Cá về Đền Thiên Trường thực hiện lễ dâng Nước và tế Cá. Vào ngày 15 tháng Giêng, tại Đền Trần tổ chức nghi lễ tế Tổ. Đội tế nam quan gồm 27 người được lựa chọn hành lễ phải đủ các tiêu chuẩn nhất định của dân làng. Trong đó người cao tuổi đóng vai trò chủ lực. Nghi lễ rước Nước, tế Cá do người cao tuổi phục dựng nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước, một nghề nổi tiếng của làng Tức Mặc đó là nghề nuôi cá giống, cá thịt nổi tiếng một thời ở khu vực miền Bắc để nhắc nhở con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa của cha ông để lại. Ngoài ra, Hội Người cao tuổi phường Lộc Vượng còn thành lập đội văn nghệ do bà Trần Thị Bích Hồng, tổ dân phố 23 phụ trách hoạt động đa dạng ở các loại hình ca múa như hát chèo, chầu văn... với 10 thành viên tham gia thường được biểu diễn ở lễ hội Đền Trần và dịp mừng thọ người cao tuổi những dịp đầu năm. Với những làn điệu chèo uyển chuyển, chân tình và tha thiết, các thành viên cao tuổi trong đội đã chuyển tải được những nội dung, ca từ đến với người nghe, lưu giữ những làn điệu dân ca truyền thống của quê hương, đất nước, người cao tuổi còn mong muốn truyền dạy cho con cháu về đạo hiếu để từ đó xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Những đóng góp của người cao tuổi trong các hoạt động văn hóa đầu xuân đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương, đảm bảo tính kế thừa và phát huy các giá trị di sản văn hóa cho thế hệ mai sau./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com