Dự án LRAMP góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn

08:02, 27/02/2019

Có mặt trong buổi lễ triển khai thi công mẫu gói thầu đầu tư nâng cấp đường liên xã Phong Mỹ với tổng chiều dài 2,37km, tổng vốn đầu tư 4,77 tỷ đồng trong tổng số 10 gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương - LRAMP giai đoạn 2 của tỉnh diễn ra vào ngày 20-2 vừa qua, chúng tôi cảm nhận rõ sự phấn khởi của cán bộ và người dân huyện Nam Trực.

Đường giao thông xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) được cải tạo, nâng cấp góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đường giao thông xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) được cải tạo, nâng cấp góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Trần Văn Thuận, Bí thư xóm Đồng Ích, xã Nam Mỹ cho biết: "tuyến đường liên xã Phong Mỹ hiện tại đang là đường đất nên chúng tôi đi lại, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa nông sản rất khó khăn, vất vả. Vì vậy, ngay từ năm 2018, nhận được thông tin dự án được bố trí vốn để triển khai thi công, người dân hai xã Nam Phong, Nam Mỹ đều rất phấn khởi, tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho nhà thầu thi công". Ông Đào Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ cho biết, theo kế hoạch huyện Nam Trực phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào tháng 4-2019, vì vậy dự án được triển khai thi công góp phần để hoàn thành tiêu chí về giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng; đặc biệt, trong điều kiện các xã Nam Phong, Nam Mỹ, Điền Xá đang ngày một phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh tế vùng từ nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh. Ngoài dự án nâng cấp đường liên xã Phong Mỹ, nhằm mục tiêu khôi phục, cải tạo đường giao thông nông thôn (GTNT), góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2017, Nam Định là một trong 14 tỉnh được Chính phủ phê duyệt triển khai hợp phần xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương. Theo chấp thuận của Ngân hàng Thế giới và Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án trong 3 năm (từ 2017 đến 2019) xây dựng, cải tạo, nâng cấp 35 tuyến đường với tổng chiều dài 130km, tổng chi phí dự tính là 169 tỷ đồng. Trong năm đầu thực hiện Dự án LRAMP, tỉnh triển khai thi công cải tạo 14 tuyến đường với tổng chiều dài 48,77km. Trong đó có 10 tuyến cải tạo đạt quy mô đường cấp VI đồng bằng, bao gồm: 3km đường Tây Hải 4 thuộc địa phận xã Hải Tây (Hải Hậu), 2,6km đường Hồng Thuận xã Giao Xuân (Giao Thủy), 2,6km đường trục Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), 3km đường Tam Thanh - Yên Mỹ, 4,5km đường xã Xuân Tân (Xuân Trường), 4,5km đường trục Yên Bình 1 thuộc các xã Yên Bình, Yên Xá, Yên Chính, Yên Tân (Ý Yên), 1,5km đường Giao Tân 8 thuộc các xã Giao Yến, Giao Tiến (Giao Thủy), 3,5km đường xã Hải Vân 2 (Hải Hậu), 3km đường trục xã Nam Thanh (Nam Trực), 4km đường cầu Họ - Hạnh Lâm thuộc các xã Mỹ Thuận, Minh Thuận, Hiển Khánh, Tân Khánh (Vụ Bản) và 1 tuyến đường trục xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) 4km quy mô đường cấp V đồng bằng; 2 tuyến quy mô đường loại A gồm 3km đường Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), 3,57km đường Nam Hồng (Nam Trực); 1 tuyến đường trục xã Trực Phú (Trực Ninh) dài 6km quy mô đường loại B. Ngoài ra, Dự án LRAMP còn bố trí nguồn kinh phí để hàng năm các địa phương duy tu, sửa chữa, bảo trì hệ thống giao thông; truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực cho các cấp chính quyền và người dân để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông địa phương nhằm kéo dài tuổi thọ công trình và tiết kiệm chi phí đầu tư. 

Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, tỉnh ta có phong trào phát triển GTNT khá mạnh, song do mạng lưới đường nhiều nên yêu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi một số địa phương kinh tế chậm phát triển, thu nhập của người dân còn thấp nên việc huy động nguồn lực của người dân cho phát triển GTNT chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, cũng do khó khăn kinh phí nên các địa phương không bố trí kịp thời, đầy đủ vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng đường GTNT, trong khi yêu cầu của công tác này là phải tiến hành sửa chữa ngay khi đường vừa phát sinh hư hỏng để không gây hư hỏng lớn và mất ATGT. Vì vậy, ở cả 13 tuyến đường dài 46,3km mới hoàn thành nâng cấp bằng nguồn vốn LRAMP đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân lưu thông thuận lợi và tăng khả năng kết nối liên hoàn với đường tỉnh, huyện và quốc lộ; góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Cũng nhờ giao thông nông thôn được cải thiện nên thu hút đầu tư phát triển, chu chuyển vốn về địa bàn nông thôn cũng đạt những kết quả ngoạn mục, tạo lực đẩy quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Các làng nghề phát triển, một số ngành nghề truyền thống được khôi phục. Hàng hoá của làng nghề Nam Định có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và cả nước ngoài. Sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn phát triển khá. Qua kiểm tra, đánh giá thực địa, Ngân hàng Thế giới, các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định, Nam Định là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc trong thực hiện tốt các tiêu chí Dự án LRAMP về chất lượng thi công và tiến độ thi công. Vì vậy, Ngân hàng Thế giới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tạo điều kiện để tỉnh đầu tư cải tạo, nâng cấp thêm 10 tuyến GTNT (bao gồm cả tuyến đường liên xã Phong Mỹ) trong năm 2019 bằng vốn dự án LRAMP. 

Nhằm tiếp tục đạt hiệu quả cao trong triển khai đầu tư dự án LRAMP, Sở Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý dự án giao thông nông thôn 3 tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý và bảo trì đường GTNT nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách giao thông của cấp huyện, xã; phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp bảo vệ công trình giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang ATGT, xâm hại hệ thống thoát nước, bảo vệ kết cấu công trình GTNT. UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và các địa phương phải nâng cao trách nhiệm quản lý, duy tu hạ tầng giao thông. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải phải chủ động hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý, vận hành khai thác và tổ chức giao thông đối với hệ thống cầu, đường GTNT, tập huấn mẫu ghi nhật ký tuần tra, theo dõi tình trạng cầu, đường GTNT của các địa phương. Hằng năm thống kê, tổng hợp tình hình cầu, đường GTNT trong toàn tỉnh theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải; tổng hợp tình hình quản lý, vận hành khai thác đường GTNT trên địa bàn tỉnh, danh sách các công trình GTNT bị hư hỏng, xuống cấp không đủ điều kiện khai thác an toàn để báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. UBND các huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp xã, cộng đồng dân cư và các cơ quan trực thuộc thực hiện trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác các cầu, đường GTNT trên địa bàn theo quy định. UBND các xã, thị trấn phân định chủ thể quản lý, sử dụng hệ thống cầu, đường GTNT trên địa bàn và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện trách nhiệm quản lý, khai thác cầu, đường theo quy định./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com