Ước tính mỗi năm tỉnh ta có khoảng 100 lễ hội truyền thống lớn, nhỏ, trong đó hơn 50 lễ hội diễn ra vào mùa xuân, kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng ba âm lịch. Nhiều lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự, tiêu biểu như hội chợ Viềng Xuân, lễ Khai ấn Đền Trần, lễ hội Chùa Bi, lễ hội Phủ Dầy... Cùng với việc tổ chức lễ hội, vấn đề an toàn thực phẩm trong lễ hội luôn là vấn đề “nóng”, bởi nhiều lễ hội có đông người tham dự, nhu cầu các loại thực phẩm tăng đột biến kéo theo nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xác định được điều đó, trước mùa lễ hội đầu xuân 2019, các địa phương đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các nhà hàng thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số nhà hàng đã trang bị tủ đựng, dụng cụ, vị trí bán thực phẩm để tránh ô nhiễm. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại lễ hội và ở nhiều cơ sở vẫn tạm bợ, lộn xộn... Ở một số lễ hội, nhiều loại thực phẩm như: bún, cháo, mì, phở, bánh, xôi, oản, nước giải khát... được bày bán ngay trong khu vực đông người qua lại. Thức ăn, đồ uống được bày bán dọc các đường đi, lối lại ở khu vực lễ hội, trong điều kiện môi trường xung quanh bị nhiễm bụi, nắng, mưa sẽ dễ bị nhiễm bẩn, ôi thiu, ẩm mốc, biến chất..., là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm; các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Đơn cử, tại một số lễ hội đầu xuân, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội vẫn bày bán thực phẩm tươi sống lẫn với thực phẩm chín, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng, một số cơ sở bát đĩa rửa chưa sạch…, trong khi các hàng quán này luôn trong tình trạng hối hả phục vụ thực khách...
Mùa lễ hội xuân 2019 mới chính thức bắt đầu; trong đó, có lễ hội Phủ Dầy dự kiến đón hàng chục nghìn lượt du khách thập phương. Hàng năm, trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh; khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh mang tính chất thời vụ… Là một trong 4 lễ hội của tỉnh được chọn triển khai mô hình điểm an toàn thực phẩm lễ hội Phủ Dầy với các tiêu chí đặt ra là: 85% các cơ sở trở nên có nơi kinh doanh sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm; bày bán thức ăn trên bàn cách mặt đất ít nhất 60cm; thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa, nắng và các loài côn trùng, động vật khác; không để lẫn giữa thực phẩm sống và thức ăn chín; có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ, có găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín; bảo đảm có đủ nước, nước đá sạch phù hợp quy định; người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khoẻ, được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm… Đây là điều kiện để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực lễ hội Phủ Dầy có ý thức chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, từ đó giúp ngành chức năng đưa việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm vào nền nếp.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân các lễ hội đầu xuân, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần chỉ đạo ban tổ chức các lễ hội tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý các hộ kinh doanh thực phẩm trong và ngoài khu vực lễ hội phải bảo đảm đủ nước sạch, nơi thu gom rác thải, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh chung. Yêu cầu các hộ gia đình kinh doanh thực phẩm tại lễ hội thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Ban tổ chức lễ hội, các cơ quan liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực lễ hội. Thường xuyên tổ chức lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm để sớm phát hiện các loại thực phẩm không bảo đảm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định; đồng thời công khai các cơ sở vi phạm cho người dân và du khách được biết… Ngành Y tế bố trí các đội thường trực, sẵn sàng cấp cứu, điều tra, xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; tổ chức phun hóa chất, thu gom rác thải, xử lý môi trường để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm... Đối với người dân, khi có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm trong khu vực lễ hội, cần lựa chọn những cơ sở sạch sẽ, biển hiệu rõ ràng; thực hiện việc công khai các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm; giấy cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Khi phát hiện cơ sở nào vi phạm về an toàn thực phẩm, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định./.
Minh Thuận