Xây dựng kiến trúc nhà ở nông thôn an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu

07:11, 20/11/2018

Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) gây tác động tiêu cực ngày càng phức tạp đến nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó các công trình hạ tầng nhà ở, đặc biệt là nhà ở khu vực ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kiến trúc nhà ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được xây dựng theo mô hình nhà ở VAC thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Kiến trúc nhà ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được xây dựng theo mô hình nhà ở VAC thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các huyện tính đến ngày 31-12-2017, trên địa bàn tỉnh có 1.345 hộ gia đình thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, BĐKH, bao gồm: Hải Hậu 700 hộ; Nghĩa Hưng 244 hộ; Xuân Trường 221 hộ; Giao Thuỷ 180 hộ. Những hộ này thuộc khu vực thường xuyên có bão, không thuộc đối tượng nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn 2 nhưng chất lượng nhà ở không có khả năng phòng chống được bão. Theo Sở Xây dựng, nhằm chống chọi và thích ứng với BĐKH, kiến trúc nhà ở nông thôn tại các địa phương này chủ yếu theo kiến trúc đặc trưng như nhà mái ngói 3 gian, 5 gian có kết hợp không gian sản xuất (vườn, ao, chuồng) trong khuôn viên đất ở. Chỉ có số ít là dạng kiến trúc nhà phố liền kề thấp tầng bám theo mặt phố hoặc các khu vực trung tâm, nơi phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ. Thời gian gần đây, do quá trình đô thị hóa và sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nên kiến trúc nhà ở nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đang có những sự thay đổi nhanh chóng. Các mẫu nhà truyền thống bố trí mặt bằng theo phương ngang đang dần được thay thế bằng mẫu nhà hiện đại bố trí mặt bằng theo phương đứng (nhà ống, nhiều tầng) với nhiều kiểu dáng kiến trúc khác nhau. Việc xây dựng nhà ở tại khu vực nông thôn thường theo nhu cầu tự phát, không theo quy hoạch. Trong cùng một điểm dân cư có sự đan xen nhà ở truyền thống và nhà ở hiện đại. Đáng chú ý, hầu hết kiến trúc nhà ở nông thôn (kể cả nhà mới xây) vẫn chưa tính đến yếu tố BĐKH, chưa chủ động ứng phó được với các hiện tượng thiên tai như nước biển dâng, ngập lụt…

Trước thực trạng đó, thực hiện chức năng nhiệm vụ được phân công theo kịch bản ứng phó BĐKH và nước biển dâng của tỉnh, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền nguy cơ mất an toàn nhà ở do BĐKH, nước biển dâng; phổ biến các mô hình nhà ở thích nghi, có sức chống chọi tốt với BĐKH và nước biển dâng cho dân cư các vùng ven sông, ven biển như Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng. Trong đó, về quy hoạch, chủ trương chỉ đạo là tận dụng và kế thừa cơ sở hạ tầng hiện có, cải tạo nâng cao nền để phòng chống ngập. Phát triển các điểm dân cư tập trung tại các xã và thị trấn có điều kiện thuận lợi đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật chung; hạn chế phát triển các điểm dân cư nhỏ lẻ, phân tán; dịch chuyển các điểm dân cư tự phát, manh mún, nhỏ lẻ gần sông, biển vào các khu vực ở tập trung sâu trong đất liền có cao độ nền đảm bảo an toàn tránh trú khi xảy ra mưa bão lớn, tạo điều kiện tốt cho sinh hoạt và sản xuất cũng như công tác cứu hộ. Từng bước xây dựng các công trình công cộng kiên cố trong thôn, xóm, xã như trường học, trạm y tế, khu thể thao trung tâm, nhà văn hoá thôn xóm tạo không gian sinh hoạt tập trung cho cộng đồng và cũng là nơi tập kết sơ tán người phục vụ cứu hộ trong mùa mưa bão. Đối với các công trình này phải bố trí không gian rộng rãi, có sân chơi thể thao, nền nhà cao từ 1,5-2m có thể tận dụng làm nơi tránh lụt, ứng cứu thảm họa thiên tai. Các xã, thị trấn tăng cường công tác trồng rừng phòng hộ, “xanh hoá” các tuyến sông, kênh rạch bằng cách tạo các dải cây xanh cách ly 7-10m dọc kênh rạch, sông ngòi bảo vệ mương tiêu thoát nước. Hệ thống các trục đường dong, ngõ xóm được người dân chủ động thiết kế mở rộng với hệ thống thoát nước rãnh dọc các dãy nhà theo ô bàn cờ đảm bảo tiêu thoát nước nhanh nhất. Kiến trúc nhà ở cũng dần thích nghi theo hướng tiết kiệm, tiện nghi chống chịu tốt với mưa bão như nhà hình khối đơn giản, kiên cố, nhà có gác xép, nhà có thể trống tầng 1 hoặc nền nhà cao với đặc điểm là hiên nhà rộng, thoát nước mái nhanh, chân nền, chân tường ốp đá để tránh bị hư hại khi bị ngập. Nền khuôn viên nhà ở được phân chia thành các khu vực để giảm chi phí đắp nền (vườn thấp, vườn cao, sân, nền nhà). Nền nhà xây mới nên đặt ở cao trình 1,5-2m đề phòng nước biển dâng 1m theo kịch bản BĐKH đã tính toán. Vật liệu chính để xây dựng nhà cũng được khuyến khích sử dụng loại thân thiện với môi trường như gạch không nung, tôn chống nóng… Xung quanh ngôi nhà được bao bọc bởi cây xanh, ao, hồ vừa tạo không gian đệm thông gió vừa đảm bảo tạo ra mô hình nhà ở sinh thái vận hành độc lập và hoàn chỉnh trong mưa bão. Đồng thời, các xã cũng chủ động xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai cấp xã để người dân chủ động nghiên cứu định hướng xây dựng nhà ở phù hợp. Ngoài ra các xã thành lập các đội cơ động ứng phó thiên tai cộng đồng, được cung cấp trang thiết bị để kịp thời cứu hộ cứu nạn, chằng chống nhà cửa, giải tỏa cây cối trước và sau bão, xử lý công trình gãy đổ, hỏng hóc do bão, thông tin kịp thời cho nhân dân về diễn biến thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới…) để nhân dân kịp thời ứng phó, hỗ trợ việc di dân, giúp người dân chủ động đảm bảo an toàn về nhà ở và công trình trong mùa mưa bão. 

Thời gian tới, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành tăng cường rà soát bổ sung, lồng ghép yêu cầu về phòng chống thiên tai, ứng phó tốt với BĐKH vào các quy hoạch ngành, lĩnh vực nhà ở, công trình dân dụng. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH để người dân chủ động xây dựng nhà ở phù hợp với đặc thù địa phương và nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, các ngành chức năng Trung ương cần nghiên cứu, đưa ra bộ tiêu chí và cách quản lý về xây dựng phát triển các dạng nhà ở chịu ảnh hưởng của BĐKH và thiên tai, đặc biệt là nước biển dâng, cho các vùng nông thôn ven biển. Xây dựng các mô hình điểm nhà ở sinh thái, gắn kết chặt chẽ với môi trường, bền vững, mang đặc trưng bản địa./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com