Trong những năm qua, huyện Nghĩa Hưng luôn hoàn thành vượt kế hoạch về tạo việc làm cho người lao động. Đạt được kết quả đó, huyện đã thực hiện đồng bộ các biện pháp như: tư vấn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.
Cty TNHH May Nghĩa Hưng DAE YANG, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 530 lao động. |
Với trên 105 nghìn người đang ở độ tuổi lao động, huyện Nghĩa Hưng xác định, tạo việc làm cho người lao động không những góp phần ổn định đời sống của người dân, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, ngay từ đầu năm huyện tiến hành rà soát, nắm tình hình lực lượng lao động, đặc biệt là số lao động trong độ tuổi thanh niên và tìm hiểu nguyện vọng làm việc, học nghề cũng như khả năng của người lao động, đồng thời nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó UBND huyện hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB và XH huyện (thời điểm tháng 8-2018), toàn huyện hiện có gần 1.000 người có nhu cầu việc làm (chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng) và 76 người có nhu cầu xuất khẩu lao động; có khoảng 500 người có nhu cầu học nghề. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 136 doanh nghiệp đang hoạt động với 6.200 lao động, trong đó 13 đơn vị sử dụng từ 70 lao động trở lên, chủ yếu là doanh nghiệp may công nghiệp, sản xuất gạch tuynel, giày da…; tiêu biểu là Cty CP Cơ khí và Thương mại Nam Hà (1.800 lao động), Cty TNHH May DaeYang (530 lao động), Cty TNHH May Vĩnh Phú (trên 300 lao động)… Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nhu cầu tuyển thêm khoảng 1.000 lao động. Bên cạnh đó, 6 làng nghề truyền thống: đan nón xã Nghĩa Châu, dệt chiếu xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, làm miến xã Nghĩa Lâm, chế biến thủy sản xã Nghĩa Hải, mây tre đan Thị trấn Quỹ Nhất tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Một số nghề nông nghiệp cũng đang phát triển như chăn nuôi gia súc, gia cầm ở một số xã, thị trấn miền hạ; nuôi trồng thủy sản ở các địa phương ven biển, ven sông: Rạng Đông, Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng, Nghĩa Châu. Để thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về các chủ trương, chế độ chính sách ưu đãi, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong việc học nghề, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình; tuyên truyền về xuất khẩu lao động. Huyện chú trọng tạo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp trong nước và tạo thuận lợi cho người lao động trong quá trình làm các thủ tục hành chính cần thiết khi xin việc. Để tạo việc làm ổn định cho người lao động, huyện mở rộng liên kết với các ngành, các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu các địa chỉ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, tổ chức tuyên truyền, vận động và trực tiếp xuống cơ sở tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp với các đơn vị tuyển dụng lao động, các trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm đào tạo nghề tổ chức tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh học nghề. Bên cạnh đó, huyện triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phối hợp với các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Trung bình mỗi năm toàn huyện có trên 3.000 lao động được học nghề. Riêng 8 tháng năm 2018, huyện đã mở 12 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 400 lao động, gồm 2 lớp trồng lúa, 1 lớp chăn nuôi gia súc, 1 lớp uốn tỉa cây cảnh, 2 lớp may công nghiệp và các lớp đan cói. Ngoài ra, các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cũng tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên, đoàn viên. Các xã, thị trấn mỗi năm cũng tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nhân dân… Qua các lớp dạy nghề, người lao động có tay nghề đã tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; hoặc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hằng năm, toàn huyện có hàng nghìn lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ hàng chục tỷ đồng. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với những giải pháp hiệu quả, trung bình mỗi năm huyện Nghĩa Hưng đã tạo việc làm mới cho trên 3.500 lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề.
Với mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 3.800 lao động, đào tạo nghề cho 3.200 lao động, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 cho trên 700 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên trên 45%, trong năm 2018 huyện Nghĩa Hưng đang tiếp tục xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời gắn việc dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động ở các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các làng nghề./.
Bài và ảnh: Minh Tân