Đến nay, toàn tỉnh có lũy tích số người nhiễm HIV là trên 5.500 người, luỹ tích số bệnh nhân AIDS hơn 3.200 người; trong đó khoảng gần 1.500 người đã tử vong. Dịch HIV xuất hiện tại 10 huyện, thành phố, 224/229 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Trước thực trạng đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung “vào cuộc”, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; các CLB, các nhóm đồng đẳng viên HIV/AIDS cũng tích cực hoạt động, nâng cao ý thức cho người bệnh và cộng đồng nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm căn bệnh này.
Thành lập từ năm 2008, ban đầu chỉ có vài thành viên với nhiều mặc cảm, bỡ ngỡ, đến nay sau 10 năm hoạt động, nhóm “Tự lực” của huyện Ý Yên đã thu hút được hơn 20 thành viên là những người có HIV và gia đình của họ tham gia vào các hoạt động cụ thể, thiết thực trong tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư. Để có được sự bền bỉ trong hoạt động nhiều năm qua, các thành viên của nhóm đều là những người tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng, tích cực vận động, tuyên truyền đến những người có HIV để chia sẻ, động viên và giúp đỡ họ cùng tiến bộ. Nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm là tiếp cận các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, những đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện, tiêm chích ma túy, gái mại dâm, gia đình có người nhiễm HIV/AIDS… để tuyên truyền, vận động họ tham gia vào các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm an toàn…, góp phần tránh lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Các thành viên trong nhóm “Tự lực” cũng nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ của các tổ chức liên quan như ngành y tế, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn để có thêm động lực, để cố gắng và trách nhiệm hơn với công việc. Qua gần 10 năm hoạt động, các thành viên của nhóm đã phát huy được tinh thần trách nhiệm, gần gũi, nắm bắt, tuyên truyền cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, nhóm người có nguy cơ cao trên địa bàn có ý thức, trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình, không dấu bệnh, tích cực chữa bệnh, chọn các phương pháp lao động và sinh hoạt an toàn, tránh lây lan cho người thân và cộng đồng.
Tại xã Nam Thanh (Nam Trực), có nhóm “nòng cốt” làm nền tảng cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương là CLB đồng cảm phòng chống HIV/AIDS. CLB có 10 thành viên gồm Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng trạm Y tế xã, các đoàn thể chính trị xã hội trong xã và thân nhân những gia đình có người nghiện ma túy hoặc nhiễm HIV/AIDS ở các thôn xóm. Qua các hoạt động như: tuyên truyền nhóm nhỏ, hội thảo, giao lưu văn nghệ gắn với nội dung tuyên truyền, đã giúp nhân dân nhận thức đúng đắn về tính chất nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS, nên công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn đạt hiệu quả tích cực. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tổ chức tuyên truyền được trên 50 buổi tại các cụm dân cư, mỗi buổi có từ 35-42 đối tượng tham gia; hằng tháng CLB cử người viết bài và thông tin về phòng chống HIV/AIDS trên đài truyền thanh của xã; tổ chức 4 buổi giao lưu văn nghệ với chủ đề “Chung tay cùng cộng đồng phòng chống HIV/AIDS, đẩy lùi căn bệnh thế kỷ”. Hoạt động của CLB đã giúp cộng đồng hiểu thêm về con đường lây truyền HIV/AIDS, nâng cao được nhận thức về HIV/AIDS, hỗ trợ tinh thần cho các thành viên, giảm thiểu được sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người bị HIV/AIDS, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau bàn bạc và tham gia vào các hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn thách thức của bản thân, gia đình và cộng đồng…
Tại huyện Hải Hậu có CLB “Hy vọng vì ngày mai” bao gồm hơn 50 thành viên, họp mỗi quý 1 lần, để các thành viên là bệnh nhân AIDS và các thành viên trong gia đình họ có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong tuân thủ điều trị ARV và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, giúp nhau sống khỏe mạnh để xây dựng kinh tế; đặc biệt, phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng hiệu quả. Ngoài ra, huyện Hải Hậu còn có nhóm “Nắng mới” thành lập năm 2017 (tiền thân là nhóm Hải Hậu Xanh), gồm 14 thành viên bao gồm những người nghiện chích ma tuý đã hoàn lương và những người nhiễm HIV đang tích cực điều trị ARV với các hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV trong cộng đồng, truyền thông phòng chống HIV/AIDS và phân phát bơm kim tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn huyện và 4 huyện lân cận: Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Năm 2017, được sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế Hải Hậu, nhóm “Nắng mới” đã tổ chức 8 buổi truyền thông trực tiếp cho trên 400 người nghe, kết hợp với tư vấn xét nghiệm tự nguyện lưu động, tư vấn cho đối tượng nguy cơ cao trên địa bàn. Qua các buổi truyền thông đã giúp cho các đối tượng hiểu biết hơn về HIV và tự nguyện xét nghiệm được 350 mẫu, phát hiện 6 người nhiễm mới HIV. Ngoài ra, tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) còn có nhóm “Gió biển” gồm 9 thành viên là các chị em tiếp viên nhà hàng tại khu du lịch biển Thịnh Long với các hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tư vấn cho đối tượng nguy cơ cao và phân phát bao cao su. Năm 2017, dưới sự điều hành của Trung tâm Y tế huyện, nhóm “Gió biển” đã tổ chức sự kiện truyền thông, giao lưu văn nghệ giữa các nhóm tham gia của Tiểu ban quản lý Dự án Tư vấn và Xét nghiệm HIV tại cộng đồng (Dự án ISDS) - Hợp phần Vusta tổ chức tuyên truyền với chủ đề về phòng, chống HIV/AIDS, tại bãi tắm Thịnh Long cho trên 200 người gồm tiếp viên nhà hàng, khách sạn và khách du lịch.
Ngoài các CLB, các nhóm trên, trên địa bàn tỉnh còn có nhóm “Ngô Đồng” của huyện Giao Thuỷ gồm 12 thành viên, nhóm “Hành trình mới” của Thành phố Nam Định gồm 11 thành viên… Các nhóm này được sự ủng hộ và bảo trợ của trung tâm y tế các huyện, thành phố đã tiếp cận với những người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao để tuyên truyền, tư vấn và cung cấp các gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm và đẩy mạnh việc chuyển gửi các đối tượng đó đi làm tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) HIV và chuyển gửi Methadone cho những người có nhu cầu. Năm 2017, nhóm “Ngô Đồng” (Giao Thuỷ) đã chuyển gửi được 511 đối tượng tiếp cận dịch vụ VCT. Đặc biệt, nhóm có 6 thành viên có chứng chỉ xét nghiệm nhanh ngoài cộng đồng nên phần lớn các ca VCT của nhóm đều đến từ xét nghiệm nhanh. Khi làm xét nghiệm nhanh nếu có ca phản ứng nhóm tiến hành chuyển gửi ngay lên Trung tâm Y tế huyện hoặc chuyển thẳng đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để làm xét nghiệm khẳng định. Năm 2017, nhóm “Hành trình mới” của Thành phố Nam Định đã chuyển gửi được 460 đối tượng. Các ca chuyển gửi của nhóm cũng chủ yếu đến từ xét nghiệm nhanh tại cộng đồng.
Qua hoạt động của các mô hình nhóm, CLB trên, công tác tuyên truyền, tư vấn vận động người dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai đồng bộ, hướng về cơ sở, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và nhóm người có nguy cơ cao, giảm số người nhiễm mới HIV, đồng thời giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Các CLB, nhóm còn giới thiệu đối tượng nhiễm HIV và đối tượng nguy cơ cao đến các dịch vụ xét nghiệm, chữa bệnh, kiềm chế được sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng thông qua các chương trình bơm kim tiêm, bao cao su cấp miễn phí tận tay; giới thiệu việc làm cho những người không may mắn nhiễm HIV, giúp họ có cuộc sống ổn định, yên tâm điều trị kéo dài cuộc sống. Hoạt động của mô hình các CLB, nhóm trên đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh./.
Minh Thuận