Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác tư pháp, những năm qua, ngành Tư pháp và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác tư pháp, hộ tịch ở cấp xã, qua đó đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tư pháp theo quy định pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cán bộ tư pháp xã Tam Thanh (Vụ Bản) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân. |
Trước đây, lực lượng cán bộ tư pháp, hộ tịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, một số ít cán bộ chưa đạt chuẩn về trình độ. Bên cạnh đó, cán bộ tư pháp, hộ tịch phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hoạt động vừa thiếu tính chuyên nghiệp, vừa không đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân. Nhằm khắc phục tình trạng trên, đồng thời để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch theo Luật Hộ tịch (có hiệu lực từ 1-1-2016) như: công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã phải có trình độ trung cấp luật trở lên, phải được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, phải có trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc và được thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ…, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và các ngành chức năng rà soát, phân loại trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã; cử cán bộ đi học các lớp trung cấp, đại học luật để bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định... Nhờ tập trung kiện toàn đội ngũ, đến nay số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp xã được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh hiện có 247 công chức tư pháp, hộ tịch, trong đó 99 người có trình độ đại học, cao đẳng luật, 108 người có trình độ trung cấp luật; 44 người có trình độ đại học, trung cấp các chuyên ngành khác. Cùng với việc kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp về công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải, chứng thực, hộ tịch, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật... Riêng năm 2017 đã tổ chức triển khai tập huấn sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp cho cán bộ ngành Tư pháp tại các huyện, thành phố. Hằng quý cơ quan chức năng tổ chức giao ban nghiệp vụ với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, phổ biến các văn bản pháp luật mới, cung cấp tài liệu tuyên truyền pháp luật và giải đáp những vướng mắc về nghiệp vụ trong giải quyết công việc chuyên môn. Hằng năm tiến hành kiểm tra hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu công việc trên thực tiễn. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp công tác tư pháp ở cơ sở đi vào nền nếp. Từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã cung cấp gần 97.942 sách, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật cho các tủ sách pháp luật các xã, phường, thị trấn; trên 10 nghìn tờ rơi pháp luật đến 229 xã, phường, thị trấn; tổ chức các lớp tập huấn các văn bản pháp luật mới như: Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đấu giá tài sản, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở...; các văn bản pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, quốc phòng an ninh, biển đảo, chủ quyền quốc gia, an sinh xã hội, các văn bản liên quan đến Chương trình xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2016-2020 cho cán bộ tư pháp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để cán bộ tư pháp thực hiện nhiệm vụ như: trang bị thêm máy vi tính cho những phường, xã còn khó khăn; lắp đặt mạng internet, cài đặt phần mềm quản lý hộ tịch… nhằm giúp cán bộ tư pháp nâng cao năng lực giải quyết nhanh chóng, chính xác công việc phục vụ nhân dân. Nhờ đó chất lượng công tác tư pháp, hộ tịch trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Các sự kiện hộ tịch, hoạt động chứng thực ở các phường, xã được thực hiện nền nếp thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, đúng trình tự, thời gian quy định, không gây phiền hà cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính… Tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), từ nhiều năm nay, tất cả các công việc trong lĩnh vực tư pháp như hộ tịch, chứng thực, hòa giải, soạn thảo văn bản, tủ sách pháp luật… đều đã đi vào nền nếp. Đồng chí Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Là địa bàn đông dân cư nên khối lượng công việc về công chứng, chứng thực và hộ tịch rất lớn. Ngoài ra, cán bộ tư pháp, hộ tịch thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: tuyên truyền pháp luật, hòa giải ở cơ sở; tham mưu cho Chủ tịch UBND thị trấn về các lĩnh vực pháp lý như giải phóng mặt bằng, giải quyết an ninh trật tự, chuẩn tiếp cận pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, xây dựng và thực hiện hương ước thôn, xóm... Do thường xuyên được Phòng Tư pháp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và được thị trấn trang bị đầy đủ các trang thiết bị làm việc nên mọi công việc đều được cán bộ tư pháp, hộ tịch thị trấn giải quyết nhanh chóng, kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn.
Năm 2017 và quý I năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 23.875 trường hợp, khai tử 7.697 trường hợp, kết hôn 10.679 trường hợp, chứng thực 604.672 văn bản các loại. Tổ chức 1.558 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 155.854 lượt người. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận trên 2.000 vụ việc hòa giải trong các lĩnh vực chủ yếu, tập trung nhiều nhất là đất đai và hôn nhân gia đình, tỷ lệ hoà giải thành đạt 77%. Hoạt động tư pháp đã phục vụ có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư pháp, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tiến tới 100% công chức tư pháp, hộ tịch đạt chuẩn, góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước ở địa phương./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng